(Baonghean) - Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel là mối quan hệ gắn liền với yếu tố lịch sử và truyền thống. Từ xưa đến nay, mặc dù có lúc bất đồng, nhưng mối quan hệ này vẫn được đánh giá là khó có thể phá vỡ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhất là kể từ khi tiến trình hòa bình Trung Đông sụp đổ do cuộc xung đột tại dải Gaza hồi tháng Tám phần nào làm rạn nứt mối quan hệ khăng khít này. Vì vậy, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Barack Obama được xem như nỗ lực để không thể bị chệch hướng mối quan hệ này.

Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh White House)

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel được thành lập vào năm 1948, nhưng sự thân thiết chỉ bắt đầu từ năm 1967. Người ta cho rằng cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái có ảnh hưởng quá mạnh trong xã hội Mỹ qua nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, truyền thông, tài chính, và tất nhiên là chính trị. Nước Mỹ cũng cần có một đồng minh Do Thái vững mạnh tại Trung Ðông để bảo vệ sự ổn định trong khu vực chiến lược này. Và chính quyền Do Thái cũng cần dựa hơi một đế quốc hùng mạnh như Mỹ để phát triển kinh tế, quốc phòng và đặc biệt là tại các cuộc tranh chấp lãnh thổ, cũng như kiềm chế sự lớn mạnh quân sự, hạt nhân của các quốc gia mà Tel Aviv cho là kẻ thù. Trong mối quan hệ phức tạp và đầy tính toán ấy, có những lúc tưởng như đã bị phá vỡ vì hoàn cảnh và mục tiêu riêng. Đôi khi Israel có hành động bất lợi cho nước Mỹ và cũng bị chi phối bởi những quyết định bất lợi từ phía Mỹ. Tuy nhiên, hầu như tất cả những thứ "nhỏ nhặt" ấy đều được chính quyền 2 nước này bỏ qua để gây dựng tình đoàn kết khăng khít, đặc biệt là những quyết định mang tính chiến lược. Còn nhớ, vào khoảng đầu năm 2010, khi chính quyền Tel Aviv tuyên bố xây dựng thêm 1.600 căn hộ tại Đông Jerusalem. Khu vực này vốn đã được cộng đồng quốc tế xác định là một phần của những lãnh thổ bị chiếm đóng và là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Cộng đồng phẫn nộ và phản đối việc Israel xây dựng các khu định cư ở đây, trong khi Israel khăng khăng cho rằng họ có quyền xây dựng ở bất kỳ nơi đâu họ muốn trong Thành phố Jerusalem. Israel coi Jerusalem là “thủ đô không thể chia cắt” của nước này. Thời điểm ấy, rất nhiều giới chức Mỹ tỏ ra không đồng tình với quyết định này của Israel, thậm chí là thất vọng tràn trề về những chính sách mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người được đánh giá là theo trường phái diều hâu đưa ra. Nhưng vì quyền lợi của cả 2 bên, họ cũng đã vượt qua thời khắc khó khăn và thử thách ấy dù không còn mặn nồng như trước.

Thế nhưng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp đến khó lường, một lần nữa, Israel lại khiến đồng minh Mỹ "buồn lòng" khi phá vỡ tiến trình hòa bình Trung Đông bằng việc dùng sức mạnh quân sự tấn công vào dải Gaza. Trong chiến dịch 50 ngày, bom đạn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.140 người Palestine, trong đó chủ yếu là trẻ em, người già và phụ nữ vô tội, cùng hơn 11.000 người khác bị thương. Liên Hợp quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế đều xác nhận rằng, có đến 75% người thiệt mạng trong cuộc xung đột vừa qua tại dải Gaza là dân thường. Về kinh tế, việc tái thiết lại dải Gaza đã hoàn toàn bị san phẳng sẽ phải tiêu tốn đến 7,5 tỷ USD và phải mất đến 5 năm để xây dựng lại hiện trạng ban đầu nhưng với điều kiện Israel dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa dải Gaza. Cuộc chiến mà Israel đã vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ bởi nó thực sự đã gây ra thảm họa nhân đạo.

Trong khi tình hình chiến sự vừa mới lắng dịu, cộng đồng quốc tế đang tìm mọi cách để tái thiết dải Gaza thì tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vừa qua, Israel lại trình ra kế hoạch xây dựng 2.600 căn nhà tái định cư ở "những vùng nhạy cảm" thuộc Đông Jerusalem. Điều này đã gây "quan ngại sâu sắc" đối với đồng minh thân cận là Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhận định, Nhà nước Do Thái sẽ gửi đi một "thông điệp rắc rối" nếu tiếp tục đeo đuổi các dự án mở rộng tái định cư, trái ngược với mục tiêu tuyên bố trước đó của chính nước này về mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài với Palestine. Ông Josh Earnest nhấn mạnh hành động của Israel chỉ khiến Tel Aviv hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế, thậm chí đẩy nước này ngày càng rời xa các đồng minh gần gũi nhất và "đầu độc không khí" trong quan hệ với Palestine cũng như với các quốc gia Arập trong khu vực. Điều này cho thấy bất đồng giữa Mỹ và Israel hiện đã lên rất cao. Lại thêm quan điểm không nhất quán về vấn đề hạt nhân Iran, trong khi Mỹ và nhóm P5+1 đang tìm mọi giải pháp để đi đến thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran. Hiện chưa có bất cứ khẳng định nào của cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ về việc Iran phát triển chương trình hạt nhân nhằm vào mục đích quân sự. Và mọi nỗ lực của nhóm P5+1 (trong đó có Mỹ) nhằm minh bạch hóa chương trình hạt nhân gây tranh cãi thì Tel Aviv lại khăng khăng khẳng định Tehran theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích phát triển vũ khí và là mối đe dạo thường trực đối với an ninh của Israel.

Tất nhiên, vì nhiều lý do chiến lược khác nhau nên giữa Washington và Tel Aviv không thể tiếp tục để bất đồng, hay căng thẳng kéo dài trong quan hệ ngoại giao, bởi như vậy các bên đều không có lợi ích gì. Vì thế, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quan hệ "không thể phá vỡ" giữa hai nước trong cuộc gặp bên lề kỳ họp lần thứ 69, Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ngày 1/10). Làm ấm lại quan hệ giữa 2 cường quốc về quân sự cũng là cách để họ phối hợp tốt với nhau trong các vấn đề mà các bên đều quan tâm. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay.

Cảnh Nam