(Baonghean) - Mỹ và Iran có thể sẽ trở lại tình trạng đối đầu nếu những tuyên bố mới đây leo thang thành hành động. Sau cảnh báo của Tổng thống Iran Hassan Rouhani về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1 nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, phía Mỹ cũng khẳng định “thỏa thuận hạt nhân không quá lớn tới mức nước Mỹ không thể từ bỏ". Tình trạng đối đầu đang có dấu hiệu quay lại với quan hệ Mỹ - Iran. 

Cái lý của cả hai

Thông báo của tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15/8 về hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức) đủ để gây sốc, dù điều này đã được dự báo. Iran có lý do để thực hiện quyết tâm này.

Phát biểu trước Quốc hội Iran, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh nếu Mỹ vẫn giữ ý định áp đặt trừng phạt đối với Iran, nước này sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm 2015, theo đó dỡ bỏ hầu hết lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để đổi lấy việc Tehran cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.

Theo đó, ông nhấn mạnh: “Kinh nghiệm thất bại về các lệnh trừng phạt và cưỡng ép đã đưa các chính quyền trước đó của họ Mỹ vào bàn đàm phán. Nếu họ muốn trở lại kinh nghiệm đó, không cần nhiều tuần hoặc nhiều tháng, chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày, chúng ta sẽ trở lại lập trường trước đây một cách mạnh mẽ hơn nhiều”.

Quyết định của Iran là điều tất yếu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật trừng phạt mới nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo sau khi nước này tiến hành thử thành công tên lửa. Quan điểm của chính quyền Tehran là quyết định của Tổng thống Mỹ cho thấy ông Trump là đối tác "không đáng tin cậy" đối với Iran. 

1502880150197.jpgTổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Iran sẽ trả đũa vì lệnh cấm vận mới của Mỹ. Ảnh: CNBC

Ít giờ sau đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc (LHQ) Nikki Haley lập tức tuyên bố Iran phải chịu trách nhiệm về những vụ phóng thử tên lửa, những hành vi hỗ trợ khủng bố và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Đây có thể coi là phản ứng trước những diễn biến từ phía Iran.

Tuyên bố của bà Haley có đoạn: "Không thể để mặc Iran lợi dụng thỏa thuận hạt nhân để biến cả thế giới thành con tin". Bà nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran và nước Mỹ sẽ hủy bỏ thỏa thuận nếu Iran làm vậy.

Tuần tới, bà Haley sẽ tới Vienna để thảo luận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ về những hoạt động hạt nhân của Iran trong khuôn khổ tiến trình đánh giá lại của Washington về mức độ Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.  

Kịch bản “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ và Iran lại có nguy cơ tái diễn sau đạo luật mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Cái lý của Iran ở đây là Tehran luôn khẳng định mình tuân thủ các cam kết về chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Mỹ lại vẫn đang tìm mọi cách để siết chặt vòng vây kiềm tỏa.

Bản thân chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng phải thừa nhận Iran vẫn đang nghiêm túc triển khai các cam kết trong thỏa thuận để đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận kéo dài nhiều năm qua. Thế nhưng, "cây gậy trừng phạt" của Mỹ đang đe dọa, làm đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân lịch sử và có thể làm "nóng" tình hình an ninh khu vực.

Thất sách của Mỹ?

Hôm 8/8, trang mạng National Interest đăng một tuyên bố đáng chú ý, trong đó kêu gọi tổng thống Trump không nên từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này vào tháng 10 tới, vì nó ảnh hưởng tới lợi ích của nước Mỹ. Trong văn bản này, đại diện của giới trí thức Mỹ lập luận rằng “thỏa thuận quốc tế với Iran tiếp tục ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Rút khỏi thỏa thuận sẽ chẳng phục vụ mục tiêu an ninh quốc gia nào của nước Mỹ cả, chừng nào mà Iran vẫn đang tuân thủ nó. Ngược lại, một hành động đơn phương như việc rút khỏi thỏa thuận sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về chính trị và an ninh cho nước Mỹ”.  

Các trừng phạt mới của Mỹ là rào cản với nền kinh tế Iran. Ảnh: Los Angeles Times

Thực tế, những tổn thất chiến lược là điều đã được cảnh báo từ lâu, khi Tổng thống Donald Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân này từ trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Tuy nhiên, thời điểm này cần phải nghiêm túc đánh giá việc đơn phương rút lui sẽ tổn hại đến lợi ích của Mỹ và thậm chí có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trong khi nước Mỹ đang ồn ào đòi trừng phạt Iran và rút khỏi thỏa thuận. Các nhà ngoại giao Iran với sự hậu thuẫn của nhiều quan chức cấp cao trong Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định những cam kết chắc chắn của họ đối với những điều khoản của thỏa thuận hiện nay và từ chối khả năng đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân này. 

Vì thế, nếu chính quyền của ông Trump quyết định đơn phương từ bỏ JCPOA, tân Tổng thống không chỉ đẩy Mỹ và EU vào nguy cơ bất đồng mà có thể ảnh hưởng tới bất cứ sự hợp tác nào trong tương lai giữa 2 bên về những vấn đề tương tự.

Nhưng hiện nay thì dường như chính quyền của Tổng thống Donald Trump khó lòng quy tụ được sự ủng hộ rộng rãi như thế. Washington đang có những bước đi chệch choạc với cả Trung Quốc và EU, nghĩa là với 2/3 thành viên của nhóm P5+1.

Vì thế, các nước này có thể sẽ không ủng hộ việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay bất cứ “sáng kiến” nào muốn đàm phán lại thỏa thuận này. Ngay cả trong lòng nước Mỹ, nhiều quan chức, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) do chính ông Trump bổ nhiệm cũng không giấu diếm những quan ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Nếu thực hiện tuyên bố của mình, nước Mỹ sẽ tự khiến mình bị chỉ trích vì sự đổ vỡ của một thỏa thuận đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tán thành. Điều này có thể để lại những hậu quả cho hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế và quan trọng hơn là đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran vì chương trình phát triển tên lửa đang cho thấy lựa chọn chính sách tương lai của nước Mỹ. Đó là tiếp tục cô lập Iran về mọi mặt và đẩy nước Cộng hòa Hồi giáo này trở lại với thời kỳ trước thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, đây được xem là lựa chọn không khôn ngoan trong bối cảnh Trung Đông chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn hỗn loạn với bóng ma khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nội chiến Syria hay khủng hoảng người di cư. Quay lưng lại với Iran, nước Mỹ sẽ tự tay xóa bỏ một giải pháp tại khu vực, thậm chí xóa bỏ niềm tin của các lợi ích của Mỹ tại đây./.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN