Giới chuyên gia cho rằng các cuộc thảo luận ở Bali và những gì đạt được về biển Đông không đem lại những đột phá có thể làm thay đổi cục diện.
 
Chuyên gia Thời Yên Hoằng, thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, thừa nhận kết quả đạt được là rất ít ỏi nếu nhìn từ quan điểm chiến lược. Dù các cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc cũng như cuộc gặp giữa Trung Quốc và Việt Nam có phần nào làm dịu căng thẳng, song “vẫn tồn tại những bất đồng về lập trường của các bên”.
 
Philippines cũng có nhận định tương tự. Báo The Inquirer dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng những lời mang tính xoa dịu của Trung Quốc không có ý nghĩa khi Bắc Kinh đã từ chối thay đổi quan điểm của họ và luôn cho rằng không quốc gia nào có chủ quyền ở biển Đông.
 
“Làm sao bạn có thể thảo luận song phương bất cứ điều gì khi bạn ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc thì họ cho rằng mọi thứ là của họ” - Ngoại trưởng Rosario nói.
 
Ngày 24-7, ngay sau khi kết thúc diễn đàn ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng hối thúc Trung Quốc và ASEAN cần nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).
 
“Washington cho rằng bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) là bước quan trọng đầu tiên, song chỉ là bước đầu tiên. Chúng tôi mong rằng ASEAN hãy hành động nhanh hơn, thậm chí cấp bách, để đạt được COC nhằm tránh xảy ra bất cứ vấn đề gì trên các tuyến hàng hải huyết mạch và các vùng lãnh hải trên biển Đông” - Ngoại trưởng Hillary nhấn mạnh.