(Baonghean) - Dư luận quốc tế đã có thể thở phào khi Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân mới vào ngày 25/4 như dự đoán. Tuy vậy, chính quyền Mỹ dường như đang sốt sắng tìm mọi biện pháp hoàn tất chính sách về Triều Tiên. Hôm nay, trong một động thái bất thường, toàn bộ thượng viện Mỹ được triệu tập vào Nhà Trắng cho một cuộc họp về Triều Tiên. Câu hỏi đặt ra là mục tiêu chiến lược của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên là gì?

images1886713_bna_590148b676197.jpgMỹ tuyên bố đã hết thời “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên. Ảnh: Express

Mỹ tới “sát vách” Triều Tiên

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề dài hạn chứ không phải cuộc khủng hoảng tức thời. Đó là nhận định của nhiều nhà phân tích trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục bị đẩy lên cao trong thời gian gần đây.

Thậm chí tình hình càng trở nên cấp bách khi báo chí Mỹ tiết lộ thông tin tình báo và chuyên gia nghiên cứu kết luận rằng, cứ 6 đến 7 tuần lễ Triều Tiên cho “ra lò” một quả bom hạt nhân. Và kho vũ khí Triều Tiên có thể đạt tới con số 50 đầu đạn hạt nhân vào thời điểm Tổng thống Mỹ Trump kết thúc nhiệm kỳ. Đó có lẽ là lý do khiến chính quyền của Tổng thống Trump ngày càng sốt sắng hơn trong vấn đề Triều Tiên. 

Bằng chứng là các hoạt động trên thực địa liên tục được triển khai. Ngoài việc đưa máy bay phát hiện hạt nhân hay tàu chiến đến khu vực, quân đội Mỹ đã bắt đầu vận chuyển các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới địa điểm triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc. Các cuộc tiếp xúc ngoại giao với các nước liên quan như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng dồn dập hơn.

Dự kiến, vào ngày 29/4, Ngoại trưởng Mỹ sẽ chủ trì một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về Triều Tiên để thảo luận về các biện pháp nhằm tối đa hóa sự ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt hiện tại và cho thấy “quyết tâm đáp trả các hành động khiêu khích bằng những biện pháp mới phù hợp”. Cùng với các biện pháp ngoại giao và sự chuẩn bị về quân sự, chính quyền Mỹ không quên đưa ra những tuyên bố cứng rắn về các lệnh trừng phạt về kinh tế nhằm vào Triều Tiên.  

Nhìn vào những động thái vừa qua nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Trump đang áp dụng chiến lược đe dọa gây áp lực ngày càng lớn lên Triều Tiên, cả về quân sự lẫn kinh tế, nhằm buộc Bình Nhưỡng phải ngừng các cuộc thử nghiệm và thu nhỏ kho vũ khí.

Sau đó, khi đối phương có dấu hiệu nhún nhường, Mỹ sẽ tận dụng thời cơ này để đàm phán với mục tiêu tối thượng đặt ra là ép Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Chưa rõ đây có phải chiến lược xuyên suốt của Mỹ hay không nhưng rõ ràng đang có một sự thay đổi. 

Chấm dứt “kiên nhẫn chiến lược”

Trong chuyến thăm châu Á mới đây, khi nói về cách ứng phó với Bình Nhưỡng, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố “chính sách kiên nhẫn chiến lược” do chính quyền Barack Obama áp dụng đã kết thúc. Chính sách này từng có 3 điểm chính. Thứ nhất là không giảm “hàng rào” tiếp xúc ngoại giao và đối thoại với Triều Tiên.

Thứ hai là tăng cường cô lập và gây sức ép với Triều Tiên, tìm cách ngăn chặn nguồn vốn, thiết bị và vật liệu cần thiết cho phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Và thứ ba là tăng cường răn đe quân sự đối với Triều Tiên, ngăn chặn và đáp trả các hành động “khiêu khích quân sự” của Triều Tiên.

Mỹ bắt đầu triển khai THAAD tới Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng Triều Tiên dâng cao. Ảnh: AP

Chính quyền Trump cho rằng chiến lược này đã không hiệu quả, thậm chí nó đã tạo cơ hội cho Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân đến 4 lần và hơn 65 lần thử tên lửa các loại và giờ là lúc thích hợp để áp dụng cách tiếp cận mới.

 Tuy vậy, bỏ “chính sách kiên nhẫn chiến lược” không có nghĩa là Mỹ sẽ ngay lập tức khởi động “tấn công quân sự” đối với Triều Tiên. Hiện nay, khi Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, phương án “tấn công quân sự” trở thành chuyện “nói dễ, khó làm”. Vì thế, theo báo chí Mỹ, việc hợp tác với Trung Quốc và “đẩy quả bóng vào chân họ” là giải pháp của chính quyền Trump lúc này.

Một mặt Mỹ ép Trung Quốc bằng tuyên bố “nếu Bắc Kinh không hành động, Mỹ sẽ tự mình giải quyết vấn đề Triều Tiên”. Mặt khác, Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự khi tấn công Syria, bố trí các cụm tàu sân bay hướng đến bán đảo Triều Tiên… Chính ông Trump cũng lấy cái mác “nước thao túng tiền tệ” để mặc cả sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Quả thực, cho đến lúc này, cách tiếp cận đó của ông Trump được ví như “một mũi tên, trúng hai đích”. Nếu Mỹ thực hiện thành công việc ép Trung Quốc mạnh tay trừng phạt Triều Tiên đồng nghĩa Mỹ có thể chia tách hai nước đồng minh ở Đông Bắc Á và là đối thủ của Washington.

Mặt khác, Mỹ không phải đau đầu khi cân nhắc biện pháp quân sự hay ngoại giao để trấn áp vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đương nhiên chính quyền Trump cũng sẽ không bị “mang tiếng” nếu một khi quá mạnh tay với Bình Nhưỡng. Và khi Triều Tiên đã thay đổi quan điểm, Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp đối thoại. 

Suy cho cùng, những hành động nghênh chiến gần đây của Mỹ chẳng qua là “đòn cân não” và “nắn gân” đối phương. Và đó có thể là một trong những chính sách mà Mỹ cân nhắc khi chấm dứt thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược”.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN