Mỹ - Hàn ký lại thỏa thuận thương mại tự do

trump_moon.jpegTổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại tự do song phương hôm 24/9. Ảnh: AFP

Ngày 24/9, lễ ký kết giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In diễn ra tại New York, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Theo thỏa thuận mới, Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi số lượng ôtô mỗi hãng xe Mỹ có thể bán tại nước này lên 50.000 chiếc mà không cần đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của địa phương. Tuy nhiên, các công ty Mỹ không được phép bán hơn 10.000 xe/năm tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc đồng ý điều khoản cho phép Mỹ duy trì thuế nhập khẩu 25% đối với xe tải đến năm 2041 thay vì 2021 như kế hoạch ban đầu. Thỏa thuận cũng đặt ra hạn ngạch đối với thép Hàn Quốc xuất khẩu tới Mỹ.

Nga có thể sử dụng căn cứ Iran cho chiến dịch quân sự ở Syria

Máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 Nga. Ảnh: Reuters

Quân đội Nga đã đề nghị được sử dụng căn cứ không quân Noyeh, phía tây bắc Iran, để sử dụng như một sân bay dã chiến cho các sứ mệnh quân sự tại Syria, TASS ngày 24/9 dẫn thông tin từ hãng tin ANNA News của Abkhazia. Không quân Nga hồi tháng 4 từng sử dụng căn cứ này để tiếp dầu cho các máy bay ném bom tầm xa trong cuộc không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền đông Syria.

Iran đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Nga sau sự cố trinh sát cơ Il-20 bị phòng không Syria bắn nhầm khi đáp trả cuộc không kích của tiêm kích Israrel đêm 17/9. Moskva cho rằng Tel Aviv phải chịu trách nhiềm hoàn toàn về sự cố khi cố tình lấy máy bay Nga làm lá chắn trước hỏa lực phòng không Damascus. Giới chức Iran tin rằng sau thảm kịch này, Nga sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tại Syria và sẽ không ngăn cản Tehran tiếp tục hiện diện và củng cố lực lượng tại quốc gia Trung Đông này.

Kẻ bắt cóc ngư dân Indonesia đòi 1 triệu USD tiền chuộc

Ngư dân đánh cá trên biển gần Lumpung, đảo Sumatra, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vợ của một trong hai ngư dân người Indonesia bị bắt cóc mới đây ở khu vực ngoài khơi bang Sabah, Malaysia, đã nhận được cuộc điện thoại đòi khoản tiền 4 triệu ringgit (gần 1 triệu USD) để đổi lấy việc trả tự do cho hai con tin.

Ngày 25/9, Cảnh sát trưởng bang Sabah, ông Omar Mammah đã xác nhận vụ việc, đồng thời cho biết thêm cuộc điện thoại nói trên diễn ra vào khoảng 10h24 ngày 18/9. Căn cứ theo số điện thoại gọi đến, có thể xác định cuộc gọi được thực hiện từ lãnh thổ Philippines. Tuy nhiên, cũng theo Cảnh sát trưởng Omar, kẻ thực hiện cuộc gọi đã không đưa ra thời hạn cụ thể cho việc nộp tiền. Ông cho rằng trong thời gian tới, đối tượng sẽ tiếp tục liên lạc với gia đình của các ngư dân để bàn tiếp về vấn đề này.

Iran xác định được kẻ chủ mưu vụ tấn công lễ diễu binh ở Ahvaz

Hiện trường vụ tấn công nhằm vào lễ diễu binh tại Ahvaz ngày 22/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo kết quả sơ bộ cuộc điều tra, công bố ngày 25/9, Bộ Tình báo Iran cho biết các nhà điều tra đã xác định được 5 thành viên một đội khủng bố có liên kết với các nhóm ly khai thánh chiến được các nước "phản động" Arab hậu thuẫn. Các cơ quan chức năng Iran đã "khoanh vùng" nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố này và đã bắt giữ 22 đối tượng liên quan. Cũng theo tuyên bố, lực lượng an ninh Iran đã thu giữ lượng lớn chất nổ cũng như nhiều thiết bị quân sự và liên lạc.

Bộ Tình báo Iran đồng thời nhấn mạnh cơ quan chức năng cũng đã xác định được những kẻ tài trợ nước ngoài và ủng hộ vụ tấn công này và thông tin chi tiết về chúng sẽ được cung cấp vào "thời điểm thích hợp".

Syria quyết tâm giành lại quyền kiểm soát Idlib bằng mọi giá

Khói bốc lên sau xung đột tại Kafr Ain, ngoại ô tỉnh Idlib, Syria ngày 7/9. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 25/9, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad tuyên bố rằng nước này sẽ giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib bằng mọi biện pháp bất kể chiến tranh hay hòa bình. Đồng thời, Thứ trưởng Syria khẳng định chính quyền Damascus quyết tâm đánh bại lực lượng phiến quân ở Idlib, bất chấp thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc ngừng các cuộc tấn công quân sự vào khu vực này.

Theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước, hai nước này sẽ cùng nhau thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib của Syria.

Anh xóa bỏ các ưu đãi đối với lao động từ EU

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của BMW ở Oxford, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông Anh dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết trong cuộc họp ngày 24/9, các bộ trưởng trong Chính phủ Anh đã nhất trí ủng hộ việc tuyển dụng lao động phải dựa trên kỹ năng và tay nghề chứ không phải quốc tịch. Cụ thể, công dân 27 nước còn lại trong EU sẽ không được hưởng ưu đãi tự do sống và làm việc tại Anh như hiện nay trong giai đoạn hậu Brexit. Tuần trước, chính phủ cũng đưa ra đề xuất trong tương lai, công dân các nước trong và ngoài EU tới Anh đều phải tuân thủ các quy định nhập cư của nước này, ưu tiên những người có kỹ năng và tay nghề cao.

Dự kiến, Thủ tướng Anh sẽ công bố các quy định nhập cư tương lai tại đại hội đảng Bảo thủ vào tuần tới, trước khi đưa ra các đề xuất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bất kỳ chính sách nhập cư hậu Brexit nào cũng sẽ tác động đến các thỏa thuận thương mại của Anh sau này.

Thủ tướng Thụy Điển bị phế truất

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven trong một cuộc họp báo ở Stockholm ngày 12/9. Ảnh: Reuters.

Ông Stefan Lofven phải rời ghế thủ tướng sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội Thụy Điển ngày 25/9. Kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy Thủ tướng Stefan Lofven chỉ nhận được 142 phiếu ủng hộ, trong khi 204 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông, BBC đưa tin.

Quốc hội Thụy Điển giờ đây phải bầu một lãnh đạo mới. Quá trình này có thể mất vài tuần. Lofven được cho là sẽ tiếp tục đảm nhận chức vụ thủ tướng đến khi người thay thế ông được quyết định. Lãnh đạo phe Liên minh đối lập kiêm lãnh đạo đảng Ôn hòa Ulf Kristersson hiện là cái tên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng Thụy Điển.

Gần 100 triệu USD tiền giấy mới in "bốc hơi không dấu vết"

Người dân Liberia biểu tình. Ảnh: DW

Chính phủ Liberia đang tiến hành điều tra vụ gần 100 triệu USD tiền mặt bị "bốc hơi không dấu vết" vốn khiến người dân phẫn nộ trong thời gian qua. Số tiền giấy mới in nói trên được đặt riêng cho Ngân hàng trung ương Liberia và được giao đến nước này trong khoảng thời gian không xác định từ tháng 11/2017 đến tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, số tiền trên đã biến mất và không để lại dấu vết.

Vụ việc đã khiến người dân Liberia phẫn nộ. Hàng trăm người ngày 24/9 đã tập trung trên các đường phố ở thủ đô Monrovia, đặc biệt là khu vực bên ngoài Đại sứ quán Mỹ và các văn phòng đại diện của Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu tại Liberia, để biểu tình phản đối việc gần 100 triệu USD bị "bốc hơi".

Trước đó, Tổng thống Liberia George Weah, người từng cam kết tăng cường chống tham nhũng, ngày 22/9 tuyên bố ông sẽ không dừng lại cho đến khi sự thật được sáng tỏ. Ông cho biết nếu phát hiện sai phạm, thủ phạm sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.