Trong cuộc phỏng vấn với kênh NTVhôm 21/4, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Mỹ và các đồng minh từ chối bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, song vẫn trang bị vũ khí cho các lực lượng người Kurd ở Syria và đe dọa tới an ninh của Ankara.
“Chúng tôi không thể mua vũ khí từ Mỹ bằng tiền của chúng tôi, nhưng Mỹ và các đồng minh đã cung cấp miễn phí vũ khí, đạn dược cho các tổ chức khủng bố. Vậy mối đe dọa này xuất phát từ đâu? Nó chủ yếu từ các đối tác chiến lược”, Tổng thống Erdogan cho biết.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Mỹ vẫn tiếp tục điều các đoàn xe chở vũ khí tới Syria. “Mỹ đã đưa 5.000 xe tải chở vũ khí tới phía bắc Syria”, ông Erdogan nói.
Mỹ vẫn xem Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là một đồng minh của Washington tại Syria. Nhóm này tạo thành xương sống của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), vốn được người Mỹ huấn luyện, cung cấp trang thiết bị và bảo vệ.
Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn việc cấp lô vũ khí trị giá 393 triệu USD cho những lực lượng mà Washington gọi là đối tác tại Syria, bao gồm YPG. Vài tháng sau đó, Mỹ tiếp tục thông báo kế hoạch thành lập lực lượng gồm 30.000 tay súng người Kurd, triển khai dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Các động thái của Mỹ đã chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara vốn xem YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Syria. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, PKK từ lâu đã bị chính phủ liệt vào nhóm đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ngày 20/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch nhằm vào YPG tại thành phố Afrin của Syria. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nắm quyền kiểm soát Afrin và cảnh báo rằng, chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục kéo dài tới toàn bộ khu vực biên giới của Syria.
Theo Press TV, khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đã được triển khai ở đông bắc Syria, tại những khu vực thuộc quyền kiểm soát của các tay súng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng quân sự lớn thứ 2 tại NATO, vẫn đang hợp tác với Nga và Iran để bảo đảm quá trình chuyển giao chính trị tại quốc gia Trung Đông này, trong khi gạt Mỹ ra khỏi bàn đàm phán.