Để chống lại siêu vi khuẩn VRE, các nhà khoa học Mỹ cải tiến kháng sinh vancomycin 60 năm tuổi thành thuốc cực mạnh với hiệu quả tăng lên hàng nghìn lần.
Nhân loại đang đối mặt với "thời kỳ hậu kháng sinh", giai đoạn nhiều bệnh nhiễm trùng vốn điều trị được trở nên vô phương cứu chữa. Trong số này, enterococci kháng vancomycin (VRE) là mối đe dọa khiến các bác sĩ lo ngại. Nó thường xuất hiện ở bệnh viện, gây nhiễm trùng vết thương và mạch máu.
Tổ chức Y tế Thế giới xếp VRE vào danh sách 12 siêu khuẩn kháng thuốc nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người.
Hiện nay, một số kháng sinh vẫn có thể chống lại VRE nhưng vancomycin đã hoàn toàn bị vô hiệu. Nhằm đối phó với tình trạng này, nhóm nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) đã tiến hành cải tiến loại kháng sinh 60 năm tuổi.
Theo BBC, nhờ thay đổi cấu trúc phân tử, vancomycin phiên bản mới được tăng cường sức mạnh cùng độ bền vững với hiệu quả cao hơn hàng nghìn lần phiên bản cũ. Thuốc tấn công vào thành tế bào rồi tiêu diệt VRE, không cho mầm bệnh chạy thoát. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, tác dụng của vancomycin cải tiến gần như nguyên vẹn tác dụng sau 50 lần tiếp xúc với vi khuẩn.
"Đây là một phát triển vô cùng quan trọng", giáo sư Nigel Brown từ Hiệp hội Vi sinh vật Mỹ nhận định. Viện Nghiên cứu Scripps hy vọng vancomycin phiên bản mới sẽ sẵn sàng sử dụng trong vòng 5 năm tới.
Theo VNE