Việc phát hiện ra một “gián điệp” Trung Quốc làm việc ở FBI (một trong những cơ quan an ninh quan trọng nhất của Mỹ) đã gây rúng động khắp nước này.

Cựu nhân viên FBI “nhận tội danh”

Ngày 1/8, Kun Shan Chun (46 tuổi), một cựu nhân viên kĩ thuật của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đã thừa nhận tại Tòa án liên bang ở Manhattan về việc làm “gián điệp” cho Trung Quốc.

Kun Shan Chun, hay còn gọi là Joey Chun, sinh năm 1969 tại Quảng Đông (Trung Quốc). Chun đến Mỹ vào năm 1980, và nhập tịch Mỹ vào năm 1985. Từ năm 1997, ông Chun bắt đầu làm việc cho FBI tại văn phòng ở New York. Ông bị bắt hồi tháng 3 nhưng đến ngày 1/8, báo chí mới có thông tin về vụ việc này. 

images1643689_kun_shan_chun_fbi_lam_viec_trung_quoc_nydn_plo_oayj.jpgÔng Kun Shan Chun sau khi rời tòa án liên bang Manhattan (New York, Mỹ) ngày 1/8. (Ảnh: NYDN).

Ông Chun khai báo tại tòa rằng, từ năm 2011- 2016, ông đã nhiều lần chuyển giao thông tin nhạy cảm cho một quan chức Trung Quốc. Ông nói: “Tôi biết tôi đã làm việc sai trái, tôi rất hối hận về những hành động của mình”.

Các công tố viên cho rằng ông Chun đã tiết lộ danh tính và lịch trình công tác của một đặc vụ FBI, đồng thời chụp lại các tài liệu trong khu vực hạn chế có chứa những thông tin chi tiết về công nghệ giám sát của FBI, rồi chuyển giao các tài liệu này bằng điện thoại cá nhân. Bên cạnh đó, Chun còn chuyển cả biểu đồ cơ cấu tổ chức nhân sự của FBI.

Các công tố viên còn cáo buộc rằng Chun đã nhiều lần nói dối với FBI về mối quan hệ của ông với các quan chức Trung Quốc và những công dân Trung Quốc khác.        

Theo cáo trạng, khi đến châu Âu vào năm 2011, ông Chun đã gặp một quan chức Trung Quốc, người yêu cầu ông cung cấp "thông tin nhạy cảm, không công bố của FBI". Với tội danh làm gián điệp, ông Chun có thể phải ngồi tù 10 năm, nhưng khi thừa nhận thì có thể chỉ phải nhận án từ 21 đến 27 tháng.

Rung lên hồi chuông cảnh báo

Thời gian gần đây, số lượng “gián điệp Trung Quốc” bị phát hiện trên đất Mỹ ngày càng nhiều, trở thành hiện tượng đáng báo động ở đất nước này, các chuyên gia Mỹ cho biết trong một cuộc điều trần của Chính quyền Washington vào đầu tháng 6 vừa qua.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã thu thập được hàng loạt thông tin quan trọng trên thế giới từ các hoạt động gián điệp và tấn công mạng. Gián điệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc “đánh cắp” các thông tin bí mật trong thương mại và công nghệ cao. 

Mỹ đã công bố lệnh truy nã vào năm 2014 đối với 5 hacker của quân đội Trung Quốc với tội ăn cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ. (ảnh: atimes.com).

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Observer Politics, chuyên gia về an ninh John Schindler, cựu giới chức của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho rằng, mức độ ảnh hưởng từ những thông tin mà Chun cung cấp cho phía Trung Quốc hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Nhưng với vị trí mà Chun đã từng làm, bao gồm cả việc Chun có cơ hội tiếp cận các tài liệu mật trong thời gian công tác lâu dài ở FBI, tác động này có thể sẽ rất nghiêm trọng, ông Schindler nhận định.

Chuyên gia John Schindle cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên, FBI bị qua mặt bởi gián điệp Trung Quốc. Trước đó, có một trường hợp là Edward Lin, thiếu tá Hải quân Mỹ, đã bị bắt vào năm ngoái với cáo buộc ba lần cố gắng chuyển tài liệu ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Ông Schindle nhận xét: “Việc gia tăng số lượng gián điệp Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng đối với nước Mỹ… Chính quyền Bắc Kinh thường sử dụng công dân của mình ở nước ngoài để làm nhiệm vụ gián điệp cho họ, và nhiều người trong số đó khá sẵn sàng làm việc này, đặc biệt nếu chính quyền Bắc Kinh cung cấp cho họ các ưu đãi về tài chính”.  

Trung tâm nghiên cứu phản gián CI đã thống kê cho thấy có 160 gián điệp Trung Quốc bị phát hiện ở Mỹ từ năm 1985 đến năm 2016. Cựu đặc nhiệm FBI, hiện là Giám đốc của Trung tâm CI Centre David Major nhận định, Trung Quốc là mối đe dọa tình báo lớn nhất đối với Mỹ.  

Trung Quốc thường kết hợp sử dụng các cuộc tấn công mạng với tình báo “chân rết” của mình ở nước ngoài để ăn cắp các thông tin bí mật.

“Số vụ mà FBI điều tra và bắt giữ nhằm vào các gián điệp công nghiệp và những vụ vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu các vụ này đều liên quan đến chính phủ Trung Quốc”, Michele Van Cleave, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh và Chống khủng bố Quốc gia cho hay.

Đặc biệt từ năm 2014 - 2015, các vụ gián điệp kinh tế mà FBI phát hiện tăng 53%, và số lượng các vụ gián điệp đang trong quá trình điều tra nằm ở con số hàng trăm vụ.

Nước Mỹ “đau đầu” đối phó

Việc Mỹ để mất danh sách gồm 22 triệu nhân viên chính phủ, trong số đó có cả những người có quyền truy cập vào các thông tin mật, có thể đã trở thành “mỏ vàng” cho quân đội Trung Quốc khai thác nhằm tiếp cận những người này.

Cựu Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh và Chống khủng bố Quốc gia Van Cleave nói, Trung Quốc hiện đang có một danh sách chi tiết của hầu hết, nếu không phải là tất cả, về những người làm việc cho chính phủ Mỹ có thể tiếp cận thông tin mật. Họ có thể ép buộc, đe dọa, hoặc tuyển dụng chính những viên chức này làm gián điệp.

Ngoài ra, bằng cách phân tích các dữ liệu bị đánh cắp về việc cư trú ở nước ngoài và việc đi lại của các quan chức Mỹ, Trung Quốc có thể xác định và phá vỡ mạng lưới tình báo của Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài.

Để đối phó với gián điệp Trung Quốc, nhà báo mảng an ninh và quốc phòng Mỹ Bill Gertz gợi ý, cần nâng cao nhận thức về các hoạt động tình báo của Trung Quốc và tiến hành phản gián mạnh mẽ. Các hoạt động phản gián nên bao gồm cả chiến lược tuyển dụng chính những nhân viên tình báo Trung Quốc để xác định các hoạt động gián điệp của đối phương và phá vỡ chúng.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN