Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận thiết lập vùng phi quân sự ở Idlib, Syria
Bất chấp nhiều nguồn thông tin trái chiều, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10 đều xác nhận vùng phi quân sự tại tỉnh Idlib, Syria đang được thiết lập, với việc rút lui của hơn 1.000 tay súng cùng nhiều vũ khí quân sự hạng nặng, theo đúng như lộ trình mà thỏa thuận từng đạt được giữa hai nước tại Sochi, Nga tháng trước. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhất trí thiết lập một khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib trải dài từ các khu vực giữa Aleppo, vùng nông thôn Đông Bắc của tỉnh Latakia và Idlib.
Với bước đi này, chính phủ Syria có nhiều thuận lợi để tiến hành các chiến dịch truy quét khủng bố tại các khu vực “nhỏ lẻ” khác cũng như có thời gian chuẩn bị cho một trận chiến lớn “có thể sẽ vẫn xảy ra”, để hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn đất nước.
Ông Trump để ngỏ khả năng gia tăng trừng phạt thương mại Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/10 cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều biện pháp nữa mà ông có thể áp dụng để trừng phạt kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng hơn. Tuyên bố này cho thấy không hề có dấu hiệu Mỹ sẽ rút lui khỏi cuộc chiến thương mại đang leo thang với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, ông Trump nhấn mạnh: "Các biện pháp có hiệu quả lớn. Nền kinh tế của họ về cơ bản đã bị suy giảm và tôi có rất nhiều biện pháp hơn nữa để làm nếu tôi muốn làm điều đó. Tôi không muốn làm điều đó, song Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán". Tuy nhiên, ông Trump lưu ý rằng người Trung Quốc muốn đàm phán nhưng ông không tin họ đã sẵn sàng và ông cũng đã nói như vậy với họ.
Lực lượng Mỹ và Iraq bắt giữ nhiều đối tượng tài trợ cho IS
Ngày 11/10, liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu cho biết một biệt đội chung của liên quân và lực lượng đặc nhiệm Iraq đã bắt giữ 10 đối tượng bị tình nghi thuộc một mạng lưới cung cấp tài chính cho IS ở thủ đô Baghdad và thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq.
Biệt đội trên đã tiến hành chiến dịch đột kích từ ngày 7-9/10, bắt giữ những đối tượng bị tình nghi thuộc mạng lưới tài chính Rawi vốn hoạt động như một "nhóm cung cấp tài chính" cho các phiến quân.
Tên lửa Nga hỏng hóc trên không, phi hành gia hạ cánh khẩn cấp
Theo RT, tên lửa Soyuz MS-10, phóng vào lúc 11h40 ngày 11/10 (theo giờ Moscow) đưa 2 phi hành gia Alexey Ovchinin (người Nga) và Nick Hague (người Mỹ) lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS), đã bất ngờ gặp sự cố. Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) thông báo cả 2 phi hành gia đều đã hạ cánh an toàn sau khi nhận lệnh thoát hiểm khẩn cấp và hạ cánh tại Kazakhstan. Đội cứu hộ của Nga đã chờ sẵn tại khu vực khoang hành khách Soyuz MS-10 dự kiến tiếp đất.
Cơ quan chức năng Nga đã mở cuộc điều tra hình sự đối với sự cố trên. Nhóm điều tra sẽ có nhiệm vụ đánh giá sự cố trong vụ phóng có do vi phạm các quy định an toàn trong thiết kế tên lửa hay không.
Israel phá hủy đường hầm tấn công của Hamas ở Dải Gaza
Quân đội Israel cho biết ngày 11/10 đã phá hủy một đường hầm do phong trào Hồi giáo Hamas xây dựng mở rộng vào lãnh thổ Israel từ Dải Gaza, vốn được thiết kế để phục vụ các cuộc tấn công. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy có thương vong trong vụ phá đường hầm dài khoảng 1km và bắt nguồn từ khu vực Khan Yunis ở miền Nam Gaza này.
Người phát ngôn của quân đội Israel Jonathan Conricus cho biết đây là đường hầm thứ 15 thuộc dạng này đã bị Israel phát hiện và phá hủy trong năm qua. Đường hầm này đã mở rộng được khoảng 200m vào lãnh thổ Israel và quân đội Israel đã theo dõi hoạt động này trong nhiều tháng qua.
Lãnh đạo đảng đối lập Peru bị bắt vì cáo buộc rửa tiền
Ngày 10/10, lãnh đạo đảng cực hữu đối lập Fuerza Popular tại Peru, bà Keiko Fujimori đã bị bắt vì cáo buộc rửa tiền và nhận tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống trong năm 2011.
Trong cáo buộc đưa ra, cơ quan công tố cho rằng nữ chính trị gia này đã “thiết lập một tổ chức tội phạm” trong đảng Fuerza Popular với mục đích thao túng quyền lực chính trị, can dự vào các vấn đề lập pháp và tư pháp. Theo Thẩm phán Richard Concepcion, người ban hành quyết định bắt giữ bà Fujimori, đảng Fuerza Popular đã khai khống 114 cá nhân là người đóng góp cho khoản quỹ hỗ trợ chiến dịch tranh cử của bà Fujimori có tổng trị giá 650.000 USD. Ngoài bà Fujimori, 19 người khác cũng đã bị tạm giam 10 ngày do cáo buộc liên quan tới hoạt động rửa tiền, trong đó có một số cựu Bộ trưởng ở Peru.
Indonesia kéo dài thời gian tìm kiếm nạn nhân động đất
Nhà chức trách Indonesia ngày 11/10 đã quyết định kéo dài thêm một ngày tìm kiếm những người còn mất tích, thay vì dừng tìm kiếm vào ngày 11/10 như thông báo trước đó, theo đề nghị của gia đình có người mất tích.
Theo số liệu chính thức của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia tính đến chiều 11/10, thảm họa động đất và sóng thần ở Trung Sulawesi đã cướp đi sinh mạng của 2.073 người, làm 10.679 người bị thương, trong đó có 2.549 người bị thương nặng và hiện vẫn còn 680 nạn nhân mất tích. Tổng cộng hơn 78.000 người phải di dời tại 112 điểm, trong khi 8.731 người đã di dời ra ngoài khu vực Trung Sulawesi.
Ai Cập phạt tử hình 17 đối tượng liên quan tới các vụ đánh bom nhà thờ
Ngày 11/10, tòa án quân sự Ai Cập đã tuyên án tử hình đối với 17 đối tượng liên quan tới loạt vụ đánh bom nhằm vào 3 nhà thờ, khiến 82 người theo đạo Cơ đốc thiệt mạng. Trước đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận đứng sau các vụ tấn công này.
Hãng thông tấn MENA cho biết ngoài những đối tượng trên, tòa án cũng tuyên phạt tù chung thân đối với 19 đối tượng khác, trong khi 15 tên khác chịu mức án 8 năm tù do liên quan tới các vụ tấn công tại Cairo, Alexandria và Tanta hồi năm 2016 và 2017.
Nước nghèo châu Phi hủy dự án sân bay của Trung Quốc vì quá tốn kém
Sierra Leone vừa tuyên bố hủy dự án xây dựng một sân bay trị giá 400 triệu USD do Trung Quốc thực hiện với lý do việc xây dựng là quá tốn kém. Bộ giao thông vận tải Sierra Leone cho biết, sau khi xem xét và thẩm định một cách nghiêm túc, Chính phủ nước này xác định việc triển khai sáng kiến xây dựng Sân bay quốc tế Mamamah là không kinh tế. Do đó, tất cả các hợp đồng triển khai trong khuôn khổ dự án này đã bị hủy bỏ từ ngày 10/10.
Việc xây dựng sân bay nói trên được thực hiện theo một thỏa thuận vay nợ do cựu Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma ký kết với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, tại cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, đảng của ông Koroma đã thất bại. Người kế nhiệm của ông này là Tổng thống Julius Maada Bio đã cam kết dừng việc xây dựng vì cho rằng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc không có hiệu quả về kinh tế với nước này.