Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội trao đổi về vấn đề thương mại và đầu tư Việt-Mỹ trước thềm chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

image_6338354.jpgÔng Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội

Ông Adam Sitkoff chia sẻ: AmCham lấy làm tiếc khi Mỹ rút khỏi TPP, nhưng chúng tôi tin có những con đường, cách thức xây dựng khác để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 nước.

Ông mong đợi gì từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

- Tôi vui mừng vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ tới đây. Ông là Thủ tướng của một quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.

Chuyến thăm này cho thấy Mỹ coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Tôi mong rằng các vấn đề thương mại sẽ là một trong những trọng tâm trong chuyến thăm của Thủ tướng. 

Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với các DN, nhà đầu tư Hoa Kỳ ở cả New York và Washington. Và tôi hy vọng Thủ tướng sẽ có các cuộc thảo luận hữu ích với Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các thành viên nội các về các vấn đề quan trọng đối với người dân ở cả 2 quốc gia.

AmCham đang vận động ủng hộ cho việc hai nước hướng tới ký một hiệp định thương mại tự do. Ông đánh giá thế nào về triển vọng của hiệp định này, nhất là vào thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP nhưng khẳng định có thể tìm kiếm các thỏa thuận thương mại song phương?

- Cộng đồng DN Hoa Kỳ tự hào về những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Thương mại hai nước đã vượt quá 52 tỉ USD năm ngoái, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi tin tưởng rằng, quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ-Việt sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ.

AmCham lấy làm tiếc khi Mỹ rút khỏi TPP, nhưng chúng tôi tin có những con đường, cách thức xây dựng khác để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 nước.

AmCham ủng hộ việc khởi động các cuộc thảo luận về một hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa 2 nước. Để thúc đẩy điều này, cần nhìn nhận là nó có lợi cho tất cả các bên. Cộng đồng DN Hoa Kỳ tại Việt Nam sẵn sàng đóng góp sức mình để khiến mục tiêu này thành hiện thực.

Bước đi đầu tiên là tháng trước, AmCham đã ký bản ghi nhớ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc thành lập Ban lãnh đạo DN Hoa Kỳ - Việt Nam, thúc đẩy ý tưởng thỏa thuận tự do thương mại. Đây sẽ là một quá trình.

Một hiệp định tự do thương mại song phương có gì khác với Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã ký trước đây giữa 2 nước?

- BTA - bắt đầu vào tháng 12/2001 - đã rất hữu ích và tạo điều kiện cho quan hệ thương mại nhanh chóng phát triển giữa 2 nước chúng ta. Nhưng nó không phải là hiệp định tự do thương mại. Chúng tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ chỉ thị cho đội ngũ của ông sớm xem xét về vấn đề này với Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam?

- Các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao về triển vọng tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, có nhiều hành động Việt Nam có thể sớm thực hiện để cải thiện khả năng cạnh tranh, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

AmCham hoan nghênh các nỗ lực cải cách đã góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, nơi các quyết định được đưa ra nhanh hơn, thủ tục ít phức tạp hơn, các quy định được thực thi công bằng và các công ty được tiếp cận bình đẳng kể cả về vốn, đất đai cũng như cơ hội phát triển.

Chúng tôi tin tưởng rằng, môi trường kinh doanh ở Việt Nam có thể được hỗ trợ tốt nhất bằng những hành động làm tăng năng suất, giảm chi phí và rủi ro. Những nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết các thách thức trong vấn đề cấp phép đầu tư, quản lý, thủ tục hành chính… được đánh giá cao.

AmCham tiếp tục làm việc với các đối tác trong Chính phủ để giảm bớt gánh nặng quản lý, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, minh bạch và ổn định ở Việt Nam.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN