Mỹ chuẩn bị sơ tán Đại sứ quán ở Ukraine ảnh 1
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AP, giới chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này có kế hoạch ngày 12/2 sẽ yêu cầu các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev rời khỏi Ukraine. Một số ít quan chức vẫn có thể ở lại Kiev, nhưng phần lớn trong số gần 200 nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ có thể được điều đến vùng viễn Tây của Ukraine, gần biên giới Ba Lan. Như vậy, Mỹ có thể duy trì sự hiện diện ngoại giao ở nước này.

Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa bình luận về thông tin này. Cơ quan này trước đó đã kêu gọi gia đình các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Kiev rời khỏi đây. Song đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên không thiết yếu. Động thái mới được đưa ra trong bối cảnh Washington tăng cường cảnh báo về khả năng Moskva tấn công Kiev.

Trước đó, hôm 11/2, Lầu Năm Góc thông báo họ sẽ triển khai thêm 3.000 binh sĩ chiến đấu đến Ba Lan cùng 1.700 quân đã tập hợp tại đây, nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh NATO. Các binh sĩ này sẽ rời căn cứ ở Fort Bragg, Bắc Carolina đến Ba Lan vào tuần tới. Theo một quan chức Quốc phòng, họ là binh sĩ của Lữ đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn Dù 82. Nhiệm vụ của lực lượng này là huấn luyện và răn đe nhưng không tham chiến ở Ukraine.

Thông báo này được đưa ra ngay sau khi ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, cảnh báo công khai rằng tất cả công dân Mỹ ở Ukraine nên rời khỏi nước này càng sớm càng tốt. Ông Sullivan cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể phát lệnh tấn công bất kỳ lúc nào.

Ngoài việc điều quân đến Ba Lan, quân đội Mỹ cũng triển khai khoảng 1.000 binh sĩ đóng quân tại Đức đến Romania trong sứ mệnh tương tự để trấn an đồng minh NATO. Ngoài ra, còn có 300 binh sĩ thuộc đơn vị chỉ huy Quân đoàn Dù 18 đã đến Đức. Lực lượng này do Trung tướng Michael E. Kurilla chỉ huy. Mỹ hiện có khoảng 80.000 quân trên khắp châu Âu tại các căn cứ thường trực và luân phiên.

Các quốc gia phương Tây liên tục cáo buộc Nga đưa quân đến gần biên giới Ukraine và cho rằng Moskva đang có kế hoạch xâm lược quốc gia láng giềng.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần khẳng định họ không đe dọa bất kỳ ai và cáo buộc họ xâm lược chỉ là đòn khiêu khích. Điện Kremlin cũng nhấn mạnh việc NATO tăng cường quân sự ở Đông Âu làm dấy lên lo ngại an ninh ở Moskva, đồng thời yêu cầu phương Tây bảo đảm pháp lý về việc NATO không mở rộng về khu vực phía Đông hoặc triển khai vũ khí tấn công ở Đông Âu.