(Baonghean) - Dư luận thế giới 24h qua quan tâm tới thông tin Mỹ sẽ tiếp tục duy trì khoảng 8.400 binh sĩ tại Afghanistan đến năm 2017, thay vì giảm xuống 5.500 quân như kế hoạch đưa ra trước đó. Xem ra vào những tháng cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa thể yên tâm vào khả năng Afghanistan có thể “tự đứng trên đôi chân của mình” và vẫn tiếp tục phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố ở quốc gia Tây Nam Á này.
Sự hiện diện của Mỹ
Chiến tranh tại Afghanistan, bắt đầu vào tháng 10/2001 với Chiến dịch Tự do bền vững của Hoa Kỳ để đáp trả cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Mục đích của cuộc chiến tranh này là để bắt Osama bin Laden, tiêu diệt Al-Qaeda và loại bỏ các thành phần Taliban đã cung cấp hỗ trợ và bến cảng an toàn cho Al-Qaeda.
Ngày 7/10/2001, sau khi Taliban nhiều lần thách thức từ chối giao nộp Bin Laden, Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu oanh kích ban ngày từ trên không, chống lại các cơ sở quân sự và các doanh trại huấn luyện quân khủng bố Afghanistan.
5 tuần sau, với sự giúp đỡ của không quân Hoa Kỳ, Liên minh phương Bắc xoay xở bằng tốc độ ngoạn mục, lấy lại các thành phố nòng cốt Mazar-i-Sharif và thủ đô Kabul. Ngày 7/12, chế độ Taliban sụp đổ hoàn toàn, khi quân sĩ bỏ trốn khỏi pháo lũy phòng thủ cuối cùng.
Tuy nhiên các thành viên Al-Qeda và thành viên Moudjahid khác từ các bộ phận khác nhau của thế giới Hồi giáo, từng chiến đấu trong hàng ngũ Taliban còn sống sót trong những ổ kháng cự dữ tợn trước kia, buộc Hoa Kỳ và các đồng minh phải hiện diện ở Afghanistan.
Không như dự định
Theo kế hoạch ban đầu, Tổng thống Obama dự định sẽ rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan, chỉ để lại đơn vị bảo vệ đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Kabul, khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2017. Thế nhưng, lộ trình này đã không thể diễn ra như kế hoạch khi ông Obama đã nhiều lần phải ra lệnh hoãn rút quân.
Hiện nay 9.800 binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan và như tuyên bố mới nhất hôm 6/7, Mỹ sẽ tiếp tục giữ 8.400 quân tại Afghanistan cho tới tháng 1/2017, thay vì giảm xuống 5.500 quân như kế hoạch đưa ra vào năm ngoái.
Dư luận có lẽ không mấy ngạc nhiên trước quyết định này của ông Obama bởi tình hình tại Afghanistan thời gian gần đây được đánh giá là hết sức “bấp bênh”. Lực lượng phiến quân Taliban liên tục tổ chức các cuộc tấn công và đánh bom khủng bố. Điều nguy hiểm là lực lượng này đang chiếm thêm được nhiều diện tích trên lãnh thổ Afghanistan và dĩ nhiên, thủ đô Kabul đang là mục tiêu hàng đầu của chúng.
Chưa hết, an ninh của Afghanistan còn đứng trước thách thức kép do lực lượng khủng bố Al- Qaeda đang ráo riết âm mưu tái thiết và Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tìm cách “lấn sân” sang Nam Á. IS đã “tung tiền” ra để chiêu mộ phiến quân Taliban và lực lượng thánh chiến ở Afghanistan. Có thông tin cho rằng tên nào chịu đầu quân cho IS sẽ được thưởng từ 400 đến 500 USD.
Rõ ràng, sau 15 năm Mỹ và liên quân phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, đất nước này vẫn chưa thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước các mối đe dọa an ninh. Mặc dù lực lượng quân đội chính phủ Afghanistan đã lên đến 350 000 quân nhưng vẫn chưa thể tự đứng trên đôi chân của mình.
Sự yếu kém này khiến Mỹ phải điều chỉnh chiến lược rút quân, mà ở góc độ nào đó thì đây chính là sự thừa nhận thất bại trong kế hoạch rút chân khỏi “bãi lầy” Afghanistan. IS vốn được coi là “con đẻ” của tình trạng hỗn loạn tại Iraq sau khi Mỹ rút đi. Xem ra, Mỹ sợ nếu không kiểm soát tình hình thì tại Afghanistan cũng có thể xuất hiện những “con quỷ dữ” như thế!
Không chỉ giữ lại số lượng quân để đảm bảo Mỹ có thể trở tay với bất trắc tại Afghanistan, Mỹ còn đang thúc giục NATO - lực lượng sát cánh với Mỹ ở Afghanistan - phải đầu tư thêm để tăng cường năng lực tự đảm bảo an ninh cho Afghanistan. Theo dự kiến, từ nay đến năm 2020, NATO sẽ hỗ trợ Afghanistan khoảng 5 tỷ đôla/năm, trong đó 3 tỷ đôla là do Mỹ đóng góp. Nhiều khả năng cam kết này sẽ được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào ngày 8/7 tại Ba Lan.
Chưa hết khó khăn
Nhiều ý kiến cho rằng, Afghanistan sẽ còn chật vật trong cuộc chiến với Taliban và khủng bố, bởi Mỹ và liên quân chỉ có thể hỗ trợ tiền hay huấn luyện binh sĩ cho Afghanistan, chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề đó là những mâu thuẫn xung đột trong lòng quốc gia này.
Đã không ít lần, chính quyền Afghanistan tính đến chuyện hòa đàm với Taliban để tìm kiếm một giải pháp lâu dài nhưng không đi đến đích. Các cuộc không kích có thể tiêu diệt tên thủ lĩnh Taliban nào đó, song ngay lập tức lại có kẻ thế chân. Vì thế, bạo lực và hận thù trở thành một vòng luẩn quẩn tại Afghanistan và khủng bố nhân cơ hội đó để xây dựng “căn cứ địa” tại đây.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố hoãn rút quân đồng nghĩa với việc thừa nhận không thể hoàn tất cam kết kết thúc cuộc chiến Afghanistan và “di sản” này buộc phải trao lại cho người kế nhiệm./.
Thu Hà
TIN LIÊN QUAN