Theo Cơ quan Phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng (DARPA) Mỹ cho biết, nước này đang cân nhắc dừng chương trình pháo ray điện từ railgun.

Theo nguồn tin này, nguyên nhân dẫn đến việc cân nhắc dừng phát triển vũ khí điện từ liên quan đến chi phí quá đắt đỏ cho việc nghiên cứu và phát triển. Thay thế cho chương trình pháo railgun sẽ là vũ khí ít tốn kém hơn, sử dụng loại đạn thông thường thay vì loại đạn siêu tốc như đang được thử nghiệm trên railgun.

Trước khi công khai kế hoạch này, Cơ quan DARPA cũng đã công bố báo cáo cho biết Lầu Năm Góc muốn chuyển hướng từ chương trình pháo điện từ railgun kéo dài suốt một thập niên qua.

Kích thước khổng lồ của khẩu pháo điện từ Mỹ.
Kích thước khổng lồ của khẩu pháo điện từ Mỹ.

Đặc điểm của railgun là thay vì dựa vào các nhiên liệu nổ truyền thống như thuốc súng, vũ khí công nghệ cao này sử dụng dòng điện để phóng một viên đạn với tốc độ lên tới 5.600 mph, hoặc gấp 7 lần tốc độ âm thanh.

Hải quân Mỹ đã bắt tay vào phát triển vũ khí điện từ từ năm 2005 cùng với các nhà thầu quốc phòng như General Atomics và BAE Systems. Các cuộc thử nghiệm đã tiêu tốn khoảng 500 triệu USD, Cơ quan DARPA cho biết.

Để thực hiện chương trình này, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR) tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới và đã phá vỡ kỷ lục thế giới về năng lượng nên bằng một nguyên mẫu vũ khí điện từ vào năm 2010. Các nhà nghiên cứu đã bắn một viên đạn 23 pound ở 32 megajoule, đủ để đẩy một quả đạn bay được 100 hải lý.

Hồi tháng 7/2017, Hải quân Mỹ đã phát hành một video cho thấy họ có thể bắn liên tiếp 4 đến 8 viên đạn trong một phút. Vào năm 2013, Bộ Tư lệnh Hệ thống Hải quân Hải quân đã yêu cầu ONR phát triển một railgun có thể bắn 10 viên phút và khoang chứa đạn phải đựng được được 650 quả đạn.

Theo kế hoạch được công bố hồi năm 2015, Mỹ ước tính vũ khí điện từ sẽ được lắp đặt lên khu trục hạm lớp Zumwalt vào giữa những năm 2020. Tuy nhiên, trong bản bản báo cáo mới đây cho thấy đã có một số thách thức với loại vũ khí tối tân này và cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu.

Bởi đến thời điểm hiện tại, dù đã ngốn một khoản ngân sách khá lớn nhưng việc có đi đến thành công với vũ khí này hay không (trong trường hợp tiếp tục được đầu tư), chính các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng không dám đảm bảo.

Trong khi Mỹ khá lấp lửng khi nói về kế hoạch dừng chương trình pháo ray điện từ thì theo chuyên gia quân sự Nga, vấn đề của người Mỹ liên quan đến nguồn năng lượng không đủ cấp cho khẩu pháo và công nghệ Mỹ có chưa đủ tầm để hoàn thiện vũ khí railgun.

Mặt khác, Nga cho rằng, loại "vũ khí thần diệu" của Mỹ không phải là một phát minh mang tính đột phá. Vào những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô đã từng chế tạo pháo ray với thiết kế khá đơn giản nhưng bao hàm đầy đủ các nguyên lý mà Mỹ hiện đang sử dụng.

Viên đạn bắn ra khỏi nòng súng do sự chênh lệch mạnh của cường độ trường điện từ, chứ không phải do áp suất được tạo ra từ vụ nổ trong nòng súng. Quả đạn phóng ra khỏi nòng pháo với vận tốc siêu thanh. Đây là lợi thế lớn nhất của nó so với pháo thông thường.

Và chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov chỉ ra nhược điểm lớn của nó là, để tạo ra lực đẩy điện từ đủ mạnh để phóng ra quả đạn bằng kim loại với tốc độ siêu thanh cần nguồn điện khổng lồ và kích cỡ nòng pháo siêu lớn, dẫn đến kích thước hệ thống quá cồng kềnh và nặng nề.

Do đó, pháo ray điện từ được tạo ra theo các công nghệ có sẵn hiện nay chưa thể được sử dụng trong quá trình chiến đấu. Do có kích thước quá lớn, trong điều kiện hiện nay không thể lắp đặt railgun trên xe tăng hoặc cũng không thể tạo ra một xe tự hành trang bị pháo ray.

Chuyên gia Konstantin Sivkov nhận định, ngay cả một con tàu có kích thước khổng lồ như chiến hạm lớp Zumwalt vẫn khó lòng cung cấp đủ nguồn điện cho những khẩu pháo railgun vận hành. Chính vì vậy, dù người Mỹ đã có những thử nghiệm thành công với vũ khí điện từ cũng chỉ được coi là thành công không đáng kể.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN