(Baonghean) - Bây giờ, vượt qua 40km cheo leo dốc núi, vực thẳm từ thị trấn Mường Xén để lên với Mường Lống (Kỳ Sơn) đã không còn là chuyện khó khăn khi những con đường liên xã cơ bản đã hoàn thành. Chuyện ‘thời sự’ ở vùng đất nằm trên độ cao 1485m bây giờ lại là chuyện nước. Mùa khô ở huyện biên giới Kỳ Sơn đang ở kỳ cao điểm, giọt nước hiếm hoi càng kéo thêm nhiều nỗi vất vả cho bà con người Mông nơi đây.

Ông Lầu Giống Cải - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mường Lống ta có 13 bản, bản mô cũng thiếu nước. Bản Trung Tâm, Mường Lống 1, Mường Lống 2 là vùng trũng nhất nhưng nhiều năm nay cũng thiếu, nhưng mấy năm trở lại đây là khổ nhất. Cũng đã có dự án làm bể chứa nước tự chảy từ lâu, mà không có nước để chảy”.

Trước đây, với địa thế là một thung lũng rộng lớn, lọt giữa rất nhiều núi rừng bao bọc, Mường Lống từng được coi là rốn nước. Cũng theo lời ông Lầu Giống Cải, ngày đó rừng còn bao phủ bạt ngàn nên nước không bao giờ thiếu. Suối nguồn đổ về nuôi sống con người và làm màu xanh ngập tràn cả thung lũng. Mường Lống, vốn được mệnh danh là miền đất sương, gần như quanh năm sương mù bao phủ, buổi trưa còn phải đắp chăn. Nay, mùa khô Mường Lống cũng nóng như miền xuôi. Đường trở lại Cổng Trời hôm nay, nhìn xuống Mỹ Lý, Đoọc Mạy, Bắc Lý, Bảo Nam, Bảo Thắng... những dải rừng trọc trơ, chỉ có một màu trắng khét của lau lách khô nỏ. Xa tít trên những triền núi thăm thẳm, vẫn còn những đám khói đốt rừng làm rẫy ngùn ngụt tuôn trên những vách rừng già nhưng đã trọc lóc. Đó có phải là nguyên nhân làm thung lũng Mường Lống khô dần và cạn kiệt?

Mỗi buổi chiều, hình ảnh từng đoàn học sinh và các thầy, cô giáo xách can đi xa hàng cây số để chắt từng hạt nước sinh hoạt không còn là chuyện lạ. Nhưng những mạch nước rỉ ra từ các khe đá này cũng không còn thường xuyên như trước nữa. Tại bản Trung Tâm, với 45 hộ và toàn bộ hàng trăm học sinh, thầy cô nội trú đều trông chờ vào một nguồn nước ngầm duy nhất chảy về giữa bản. Cô giáo Nguyễn Thị Chín (trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lống) cho hay :“Bây giờ, cứ hết giờ dạy là cả thầy cô, học trò lại nháo nhác lên vì chuyện nước. Kiếm được can nước chừng 20 lít phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ. Mà chừng đó cũng chỉ để dành nấu ăn, không dám làm gì khác”. 

Người dân bản Trung Tâm (Mường Lống), chắt từng gáo nước ở mạch nước ngầm giữa bản.

Tại mạch nước ngầm ri rỉ chảy về nơi bản Trung Tâm, chị Lầu Y Xia vừa chắt từng ca nước nhỏ vừa bảo chúng tôi “Cái nước ngầm ni, một ngày ta cũng chỉ chắt được khoảng 2 can, chỉ dám dùng để uống thôi! Còn đi tắm, phải lên tận trên vớ!”. Chị Xia chỉ về phía những rặng núi mờ xa, hình như nơi đó còn có một nguồn nước hiếm hoi nào đó. Còn anh Và Bá Lầu thì đưa cả xe máy, con trai và quần áo ra chiếc ao duy nhất giữa xã, cũng nhẫn nại múc từng gáo nước dưới lòng ao để tắm giặt.

Nghe nói, mặt ao thường xuyên cạn kiệt, nhưng có một lần cách đây vài tháng, anh Lỳ Nỏ Tu đã đào được một mạch nước dưới lòng ao. Chúng tôi nhìn và thử ngửi, nước có màu nhờ nhờ và mùi bùn ngai ngái. Theo chân Bí thư Đoàn xã Lầu Nhia Hờ, chúng tôi đã đi tất cả mấy bể nước dự trữ tại bản trung tâm, kết quả đều khô kiệt. Anh Hờ cho biết: “Dân không mấy khi được dùng đến nước bể. Đơn giản chỉ vì mưa thường xuyên hiếm và nước nguồn cũng chẳng bao giờ dồi dào”. Đó là thực trạng của các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Nậm Cắn và một số xã lân cận của huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn trong vòng mấy năm trở lại đây.

Tiếp tục ngược lên các bản Long Kèo, Tham Pạng, Thăm Lực, chúng tôi lại chứng kiến cảnh bà con nhẫn nại chờ nhau bên dòng nước chảy ri rỉ, hoặc đi lên những mạch ngầm xa xôi phía núi để gùi nước về. Già làng bản Tham Pạng,  cụ Lầu Gà Lầu bảo: “Ầy dà! Hết rừng thì hết nước thôi. Ta cũng phải nói nhiều với người Mông ta nhiều nữa đó, phải giữ rừng mới có nước mà ăn, mà sống, mà nuôi trâu bò, trồng cây con thôi vớ!”.

Trước nỗi bức xúc về chuyện nước sinh hoạt cho bà con, huyện Kỳ Sơn đã có kế hoạch xây dựng và sửa chữa các công trình nước sạch theo nguồn vốn 135/CP. Riêng năm 2013, huyện đang có kế hoạch tiếp tục nâng cấp, sửa chữa 18 công trình ở các xã  Huồi Tụ, Mường Lống, Phà Đánh, Na Ngoi, Na Loi, Bảo Thắng, Chiêu Lưu và Keng Đu. Trong đó, có 3 xã thiếu nước trầm trọng là Huồi Tụ, Mường Lống và Đoọc Mạy sẽ được ưu tiên triển khai sớm để bà con ổn định cuộc sống và tập trung sản xuất.  

Con đường từ Mường Xén đến Mường Lống và vào đến tận Mỹ Lý cơ bản đã  rải nhựa xong. Như thế, vùng đất dưới Cổng Trời này với 2 mùa mỗi năm nhưng có đến 4 mùa một ngày, cảnh sắc đẹp như một Đà Lạt thu nhỏ sẽ là điểm du lịch rất khả thi. Mường Lống cũng như các xã vùng trên đang cần thêm nguồn nước, nguồn điện để đủ điều kiện sinh hoạt, canh tác cũng như chào đón khách du lịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đồng bào nơi đây cũng cần tự phấn đấu bằng chính sức lực của mình, không ỷ lại Nhà nước cũng như bằng mọi giá phải giữ rừng và bảo vệ rừng, bởi đó mới là chiến lược lâu dài.

Trần Hải