Chơi ngoài trời thường xuyên sẽ giúp các bé giảm đáng kể nguy cơ bị cận thị khi đến tuổi niên thiếu, một nghiên cứu vừa tiết lộ. Các công trình khoa học trước kia đã tìm thấy rằng dành thời gian ở ngoài trời thì tốt cho mắt, nhưng người ta chưa chứng minh được đó là do luyện tập hay là do tiếp xúc với ánh sáng.
Tiến sĩ Cathy Williams, từ Đại học Bristol (Anh), cho biết công trình nghiên cứu mới đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên về lợi ích của ánh sáng tự nhiên đối với mắt người.
Chơi ngoài trời giúp trẻ tránh được tật cận thị. Ảnh:Telegraph.
Nó cho thấy có mối liên hệ mạnh mẽ giữa thời gian ở ngoài trời và thị lực tốt, bất kể tiểu sử gia đình, thời gian trẻ đọc sách hay việc trẻ có chạy nhảy hay không.
Nhóm đã tìm hiểu kết quả kiểm tra mắt của 7.000 trẻ em ở tây nam nước Anh, vào các độ tuổi khi trẻ lên 7, 10, 11, 12 và 15. Họ cũng theo dõi việc trẻ vận động trong hơn một tuần.
Kết quả là, các bé thường xuyên chơi ở ngoài trời vào tuổi lên 8 hoặc 9 thì khi được 15 tuổi, tỷ lệ bị cận thị chỉ bằng một nửa so với các em ít ở ngoài trời.
"Chúng tôi vẫn không chắc chắn tại sao việc ở ngoài trời lại tốt cho mắt trẻ, nhưng trước các lợi ích này, chúng ta nên khuyến khích trẻ dành thời gian ở bên ngoài nhiều hơn, tất nhiên vẫn nên tránh để tiếp xúc với tia cực tím quá nhiều", tiến sĩ William nói trên tạp chí Investigative Ophthalmology & Visual Science.
Từ 1/4 đến 1/2 số người trẻ tuổi ở phương Tây và tới 80% người trẻ tuổi ở đông nam Á bị ảnh hưởng bởi tật cận thị. Hơn 1/3 số người trưởng thành mắt tật này phải đeo kính để nhìn rõ vật ở xa - con số này đã tăng gấp đôi trong hơn 30 năm qua.
Năm ngoái, một công trình nghiên cứu của Anh cũng khẳng định tác dụng của ánh sáng mặt trời trong việc giảm cận thị cho bé.