Mặc dù không quan trọng như khi con bạn lần đầu học đi, học nói, nhưng thời điểm chúng bắt đầu sử dụng smartphone cũng là lúc bạn rất cần để ý.

dien-thoai-di-dong-tre-em-istockphoto-1513054128051.jpgĐộ tuổi trung bình của trẻ em khi bắt đầu sử dụng smartphone vào năm 2016 là 10,3 tuổi - Ảnh: ISTOCKPHOTO

 Theo báo Usa Today, chúng ta đã bước vào một thời đại mà có lẽ không còn phải là lúc bàn chuyện có nên hay không trong việc cho phép con sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) nữa. Vấn đề bây giờ chỉ là lúc nào thì cho phép, và nên giúp chúng sử dụng ra sao mà thôi.

Và đây là những điều các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi muốn cho phép con mình bắt đầu sử dụng một chiếc smartphone:

1, Con bạn đã đủ tuổi dùng smartphone chưa?

Đây là vấn đề từng được tranh luận rất nhiều, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một quan điểm thống nhất phổ biến.

Theo nghiên cứu năm 2016 của hãng nghiên cứu Influence Central, độ tuổi trung bình để một đứa trẻ bắt đầu có chiếc smartphone đầu tiên là 10,3 tuổi, thấp hơn so với độ tuổi trung bình 12 của năm 2012.

Mặc dù còn tranh cãi về độ tuổi thích hợp cụ thể, nhưng theo ông Scott Steinberg, tác giả cuốn sách chỉ dẫn phụ huynh về trách nhiệm hướng dẫn và bảo vệ con cái trong thời kết nối mạng có tên "Parenting High-Tech Kids: The Ultimate Internet, Web, and Online Safety Guide", rốt cuộc thì thời điểm đó sẽ tùy thuộc quan điểm của chính mỗi người cha người mẹ khi họ tin rằng con mình đã đủ trưởng thành để biết cách làm chủ một chiếc smartphone.

 
Ảnh: Ảnh: GETTY IMAGES

 2, Sử dụng quyền kiểm soát dành cho phụ huynh ngay trên điện thoại của bạn

Tùy theo đặc điểm từng loại thiết bị di động, cha mẹ có thể thiết lập những giới hạn trong việc truy cập các tính năng trên chiếc smartphone của chúng.

Chẳng hạn, với điện thoại iPhone, bạn hãy vào phần Settings → General, kéo xuống phần Restrictions.

Ở lần đầu kích hoạt tính năng Restrictions, iPhone sẽ yêu cầu bạn thiết lập mã PIN 4 số.

Các hạn chế này cho phép cha mẹ kiểm soát mọi thứ, từ việc trẻ có thể mở các ứng dụng nào, tới việc chúng có thể mua gì trong các ứng dụng.

Ngoài ra bạn cũng có thể tùy chỉnh các loại nội dung nào mà trẻ có thể xem trên smartphone căn cứ vào các chỉ số xếp loại nội dung.

Với thiết bị Android, các giới hạn cũng được quy định tùy theo loại smartphone bạn sử dụng. Trong kho ứng dụng Google Play, bạn cũng có thể thiết lập những cài đặt tương tự về việc trẻ có thể truy cập những nội dung nào căn cứ vào chỉ số xếp loại nội dung trong đó.

3, Để ý tới việc tải các ứng dụng

Trong các gian ứng dụng của thiết bị iOS lẫn Android đều có những cách thức giúp bạn kiểm tra lịch sử tương tác với các ứng dụng nếu bạn định chia sẻ tài khoản với con cái.

Chẳng hạn, trong App Store của Apple, người dùng có thể xem danh sách những ứng dụng đã tải cũng như những ứng dụng không còn trong các thiết bị hiện tại của người dùng.

Trong Goolge Play, người dùng cũng có thể truy cập bằng tài khoản của họ, sau đó xem lịch sử tải ứng dụng ở đó.

Ngoài ra, trên App Store, người dùng cũng có thể kích hoạt tính năng download tự động, theo đó khi ứng dụng được tải về trên một thiết bị, nó sẽ được tự động tải về trên các thiết bị khác dùng chung tài khoản. Theo đó, bạn sẽ biết ngay khi con bạn tải về điện thoại một ứng dụng nào mới.

Tùy theo độ tuổi của con, các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu thêm những cách thức cài đặt mới bên trong các ứng dụng để hạn chế hoạt động của chúng cho phù hợp.

Cũng có những ứng dụng chuyên dùng để theo dõi thời gian một người tiêu tốn trên điện thoại hay một ứng dụng cụ thể nào đó. Chẳng hạn với điện thoại iPhone có ứng dụng Moment, còn với điện thoại Android thì có ứng dụng Space.

Lưu ý: Trò chuyện để hiểu thêm nhu cầu sử dụng điện thoại của con

Có lẽ điều quan trọng nhất các bậc cha mẹ cần làm trong việc chỉ dẫn con cái sử dụng thiết bị công nghệ là hãy trao đổi trực tiếp với con.

Hãy nói chuyện nhiều hơn với chúng để hiểu vì sao con bạn muốn có điện thoại và chúng định sử dụng điện thoại làm gì.

Có một thực tế rất rõ là trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều phụ huynh đã quên mất rằng, tác dụng của những cuộc trò chuyện "truyền thống" còn lớn hơn rất nhiều so với những ứng dụng công nghệ hỗ trợ.

Do đó, trò chuyện với con để hiểu hơn về nhu cầu cũng như mong muốn sử dụng điện thoại của chúng sẽ là cách hiệu quả giúp cha mẹ hướng dẫn con sử dụng và khai thác một chiếc smartphone an toàn, hữu ích hơn cả trong cuộc sống cũng như trong học tập.