(Baonghean) - Gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 28.000 tỷ yen (tương đương 266 tỷ USD) của Nhật Bản được kỳ vọng giúp đất nước mặt trời mọc đương đầu với ảnh hưởng của Brexit. Nhưng với Thủ tướng Shinzo Abe, giá trị của gói kích thích này còn lớn hơn thế.
Nhân tố bên ngoài
Danh hiệu “hầm trú ẩn an toàn” mà nhà đầu tư dành tặng đồng yen kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang khiến chính quyền Nhật Bản rầu lòng.
Lý do là vì nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro như cổ phiếu để đổ tiền vào tài sản có giá trị ổn định như vàng, đồng yen, đồng USD khiến đồng yen tăng giá. Trong khi đó, đây lại là điểm cốt tử trong kế hoạch 3 năm tái sinh nền kinh tế mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Thủ tướng Shinzo Abe thực thi. Thành công của việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua các gói biện pháp phụ thuộc nhiều vào đồng yen giá rẻ để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp làm ăn, có nguồn thu ở nước ngoài.
Đây thực sự là một nhiệm vụ khiến Tokyo chật vật thời gian qua. Đồng yen từng duy trì tốt ở trên ngưỡng 80 yen đổi 1 USD. Nhưng kể từ đầu năm nay, đồng tiền này đã tăng hơn 18% ngay cả khi BoJ đã thiết lập mức lãi suất âm lần đầu tiên hồi tháng 1.
Đây là thách thức lớn đặt ra cho chương trình "Abenomics" nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát do Thủ tướng Abe khởi xướng. Tuy nhiên, quyết định của người Anh chỉ là một trong nhiều sự kiện xảy ra ở bên ngoài mà lại có tác động mạnh mẽ đến Nhật Bản. Kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay cũng là một yếu tố đẩy giá yen tăng cao hơn so với đồng bạc xanh.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng chính sách hiện nay của BoJ đã chạm đến giới hạn và không thể tác động nhiều đến đà tăng giá của đồng yen trước tình hình bất ổn trên thị trường toàn cầu. Bất chấp các cảnh báo, dòng tiền tiếp tục chảy vào những hầm trú an toàn như đồng yen là một ví dụ điển hình. Và vì thế những biện pháp can thiệp mạnh tay hơn nữa là điều mà chính phủ Nhật Bản được trông đợi vào lúc này.
Với việc công bố gói kích thích hôm 27/7, Thủ tướng Abe khẳng định, mục tiêu của Nhật Bản với khoản chi khổng lồ này là giảm thiểu những hệ lụy sau sự ra đi của Anh. Trong gói hỗ trợ này, Chính phủ Nhật Bản dự định tăng chi tiêu công thêm 13.000 tỷ yen, chủ yếu đầu tư vào các dự án xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và các sản phẩm du lịch.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản sẽ được nhận thêm các khoản tài chính để cung cấp thêm các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản, nhằm ứng phó với các tác động hậu Brexit. Tokyo cũng dự định tăng chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản để xây dựng các cơ sở hạ tầng tại nước ngoài.
Hồi sức cho Abenomics
Brexit là một điều kiện tốt để Nhật Bản thúc đẩy một giải pháp mạnh mẽ cho nền kinh tế đang vận hành kém trơn tru và một tương lai ảm đạm. Nhưng phải thừa nhận, gói kích thích này hướng tới một mục tiêu lớn hơn: tiếp tục củng cố nền tảng cho chiến lược kinh tế mang tên Abenomics mà Thủ tướng Abe đã và đang triển khai. Nó được đặt ra trong thực trạng kinh tế Nhật Bản không có nhiều tín hiệu vui, chứng tỏ Abenomics gần như đã thất bại.
Ví dụ như từ đầu năm 2016, khi Thủ tướng Abe tỏ rõ quyết tâm thực hiện 3 mũi tên trong chính sách kinh tế này, nhưng các chỉ số tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục không mấy khả quan. Chỉ số tiêu dùng và xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm trong tháng 4; hoạt động sản xuất giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 năm qua. Việc đồng yen liên tục tăng giá do Brexit càng tác động mạnh tới hoạt động thúc đẩy xuất khẩu, một trong những mục tiêu quan trọng của Abenomics. Các gói kích thích kinh tế lần lượt xuất hiện nhưng nền kinh tế không mấy sáng sủa, nhất là sức mua của người tiêu dùng không cải thiện.
Kết quả này buộc chính quyền Abe hồi đầu tháng 6 phải lần thứ 2 hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng thêm 2 năm rưỡi nữa, thay vì tháng 4/2017 theo lộ trình được đề ra trước đó. Việc hoãn này nhằm tránh đặt thêm gánh nặng lên người tiêu dùng và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia khẳng định, quyết định hoãn tăng thuế cho thấy sự thất bại của Abenomics.
“Đòn bẩy” chính trị
Việc tung gói kích thích kinh tế khổng lồ, bên cạnh hoãn tăng thuế cách đây 2 tháng có vẻ là những biện pháp tình thế giữa lúc kinh tế Nhật Bản vẫn chưa đi đúng kế hoạch.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả đều nằm trong dự liệu của Thủ tướng Abe, thậm chí đây là giải pháp để duy trì cán cân trên chính trường. Ví dụ, các nghị sĩ thuộc đảng Komeito đối tác trong liên minh cầm quyền của ông Abe cho rằng, đề xuất hoãn tăng thuế 2 năm rưỡi là động thái mang động cơ chính trị. Nếu kế hoạch tăng thuế được trì hoãn đến tháng 10/2019, các cuộc bầu cử Hạ viện và chính quyền địa phương các cấp trên toàn quốc đã diễn ra, ông Abe sẽ không phải lo lắng về việc tăng thuế ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Một số đồn đoán cho rằng, ông Abe còn có thể kêu gọi tiến hành bầu cử Hạ viện trước thời hạn, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri và tạo thuận lợi cho các chính sách kinh tế, cũng như những vấn đề gây tranh cãi khác của chính quyền.
Nhưng những người lạc quan thì lại cho rằng kế hoạch kích thích kinh tế vừa qua nên được nhìn nhận một cách tích cực. Nó cần được đặt bên cạnh các khoản ngân sách cho an sinh xã hội trị giá 73 nghìn tỷ yen mà Chính phủ Nhật Bản phân bổ trong năm tài khóa 2016. Các chi tiêu này bao gồm tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế khác trong đó chú trọng giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm.
Những ưu tiên đó giúp giải quyết những vấn đề nóng trong xã hội Nhật Bản hiện tại. Và hiển nhiên, cộng hưởng và thúc đẩy hiệu quả chung của các giải pháp Abenomics.
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|