Các vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, chưa kể phạt bổ sung bằng các hình thức khác.
“Nâng mức phạt vi phạm hành chính của tổ chức tín dụng” đó là quy định được nêu trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì soạn thảo để thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP.
Dự thảo nêu rõ, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, chưa kể phạt bổ sung bằng các hình thức như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng liên quan đến hành vi vi phạm hành chính,...
Cụ thể, đối với vi phạm về duy trì dự trữ bắt buộc, theo quy định tại Nghị định 202/2004/NĐ-CP trước đây chỉ bị phạt cảnh cáo. Còn tại dự thảo này, NHNN đề xuất: Nếu không mở tài khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước, không duy trì đủ số dư bình quân phải dự trữ bắt buộc lần đầu trong năm tài chính thì cũng bị phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, nếu không duy trì đủ số dư bình quân phải dự trữ bắt buộc từ lần thứ hai trong năm tài chính theo quy định thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm về tỷ lệ đảm bảo an toàn, Điều 26, Nghị định 202 quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đến 12 triệu đồng đối với tổ chức tín dụng có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về duy trì tỷ lệ an toàn về khả năng chi trả, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu,…
Dự thảo mới đề xuất mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi không duy trì một trong các tỷ lệ đảm bảo an toàn: Tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có...
Đồng thời, phạt tiền từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ…./.