Sáng 17/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dân quân tự vệ và Luật Lực lượng dự bị động viên sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 tổ chức vào tháng 10 tới.
bna_mai_hoa4328826_1792019.jpgQuang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ

Trên cơ sở dự thảo sửa đổi Luật Dân quân tự vệ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lấy ý kiến, tại hội nghị, bên cạnh cơ bản đồng tình cao với dự thảo, một số ý kiến cũng nêu băn khoăn, đề xuất.

Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ.

 

Đó là dự thảo sửa đổi Luật chưa quy định trợ cấp ngày công lao động cụ thể; nhưng mức quy định theo Luật hiện hành không thấp hơn hệ số 0,08 mức lương tối thiểu chung là còn quá thấp.

Vì vậy, Luật cần quy định rõ và nâng mức hỗ trợ chi trả ngày công lao động cho dân quân tự vệ khi được điều động thực hiện các nhiệm vụ để phù hợp với mặt bằng chung ngày công lao động của người dân, tối thiểu cũng phải đạt 200.000 đồng/người/ngày.

Trung tá Lê Đại Từ - Phó trưởng Ban Quân lực, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh góp ý bổ sung. Ảnh: Mai Hoa

Để đảm bảo nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị, Luật cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; bởi nếu không quy định rõ thì dễ dẫn đến lãnh đạo một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, không muốn xây dựng và duy trì hoạt động lực lượng tự vệ tại đơn vị mình.

Bên cạnh đó, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) cần bổ sung làm rõ quy định khen thưởng đối với lực lượng dân quân tự vệ do Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết để phù hợp với Luật Thi đua - Khen thưởng, thay việc giao cho Bô Quốc phòng như dự thảo.

Mặt khác, theo dự thảo sửa đổi Luật Dân quân tự vệ, mọi công dân Việt Nam từ 18 - 45 tuổi đối với nam và từ 18 - 40 tuổi đối với nữ đều có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình và thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ, có trường hợp 4 năm, có trường hợp 2 năm; tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần kéo dài hơn thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Cửa Lò huấn luyện dân quân tự vệ. Ảnh: Mai Hoa

Cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp

Liên quan đến Luật Lực lượng dự bị động viên, vấn đề cũng được đại biểu quan tâm đề xuất bổ sung là quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ doanh nghiệp, thủ trưởng các tổ chức trong việc tạo điều kiện cho quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện, tránh tình trạng chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện cho người lao động của đơn vị mình tham gia hoặc cắt giảm thu nhập, cắt hợp đồng lao động.

Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên có 5 chương, 47 điều quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

 

Đối với phương tiện kỹ thuật được huy động phục vụ nhiệm vụ khi có yêu cầu, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể đây là phương tiện kỹ thuật nằm trong diện bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách Nhà nước hay là huy động từ nhân dân để đảm bảo việc đăng ký phương tiện hàng năm được thực hiện nghiêm túc hơn.
Bổ sung quy định đối với trường hợp cá nhân có lệnh gọi tập trung lực lượng dự bị động viên, nhưng tại thời điểm đó cá nhân không có mặt tại địa phương thì giải quyết như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Hải Thiêm - Đội trưởng Đội Pháp chế, Công an tỉnh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đã góp ý nhiều vào bố cục dự thảo và từ ngữ đảm bảo chính xác; các vấn đề về sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên; huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, đơn vị dự bị động viên…