* * * * *

Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện mà tôi đã được thấy, được nghe về những người mẹ có con lên đường ra trận và gửi xác thân trên chiến trường. Trên dải đất hình chữ “S” này có hàng triệu người mẹ như thế. Và dường như hình ảnh những tráng đinh chân lấm bùn, quyết từ biệt gốc đa, sân đình, từ biệt ruộng lúa, đồng chiêm để lên đường chiến đấu đã trở thành biểu tượng vô cùng hào sảng, tuẫn liệt của đất nước bé nhỏ này. Hàng ngàn đời như thế!

Mùa Vu lan của mẹ ảnh 1
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh tư liệu: kienthuc.net

Mùa Vu Lan này mẹ Nguyễn Thị Liên, ở xóm 10 xã Thanh Tiên (Thanh Chương) bước vào tuổi 99. Mẹ sống trong sự đùm bọc, chăm sóc chu đáo của con cháu nhưng thẳm sâu trong tim mình mẹ vẫn thấy trống trải khi thiếu vắng những tiếng nói, tiếng cười thân thuộc.

Đất nước binh đao thì đàn ông ra trận, phụ nữ ở nhà làm thay việc đồng áng, cấy cày và thấp thỏm lo âu. 

Cũng như nhiều phụ nữ trên mảnh đất xứ Nghệ, sinh ra, lớn lên cô thôn nữ Nguyễn Thị Liên không biết nhiều về chữ nghĩa. Nghề nông bám đất, bám ruộng mà trưởng thành, rồi dựng vợ, gả chồng. Đất nước binh đao thì đàn ông ra trận, phụ nữ ở nhà làm thay việc đồng áng, cấy cày và thấp thỏm lo âu. Tất cả những điều này đều diễn ra trong ngôi nhà bé nhỏ trên mảnh đất nghèo Thanh Tiên.

Khi cô gái Nguyễn Thị Liên đến tuổi trưởng thành cũng là lúc cha cô đã có mặt trên trận tiền chống Pháp. Rồi cô cũng được se duyên cùng anh Khương Văn Phúc người cùng quê. Hai người đến với nhau thật giản dị, cũng chỉ cơi trầu, bát chè xanh mời quan viên hai họ. Chưa kịp quen hơi, bén tiếng thì chồng cô tiếp bước cha anh lên đường tòng quân, tham gia kháng chiến chống Pháp. Ít lâu sau, gia đình liên tiếp nhận tin dữ: cả cha và chồng cô đều hy sinh.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh ân cần thăm hỏi, động viên Mẹ VNAH Nguyễn Thị Liên, xóm 10, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Ảnh: Q.S

Thanh xuân có thì, đời người có lúc, gia đình hai bên sau nhiều năm khuyên nhủ, cô gái trẻ Nguyễn Thị Liên gạt nước mắt đi thêm bước nữa. Cô sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Con trai đầu là anh Nguyễn Văn Chung sinh năm 1954. Khi mới bước vào tuổi 17, cũng như hàng vạn thanh niên trên mảnh đất này,  Nguyễn Văn Chung viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 32, Sư đoàn 35 chiến đấu tại mặt trận Bình - Trị - Thiên. Con trai ra trận, thêm một người đàn ông của gia đình xông pha trước hòn tên mũi đạn là thêm một lần nữa mẹ Nguyễn Thị Liên không khỏi quặn thắt nỗi lo. Và nỗi lo sợ luôn trở thành sự thật ám ảnh mẹ cả một thời xuân sắc. Tấm giấy báo tử chỉ mấy dòng ngắn ngủi nhưng chẳng khác nào hàng ngàn vạn mũi dao làm tan nát trái tim vốn đã tổn thương của mẹ.

Anh Nguyễn Văn Chung hy sinh vào năm 1972 và đâu đó trong mảnh đất Bình - Trị - Thiên dày bom đạn thân xác anh vẫn còn gửi lại, máu anh hòa vào dòng sông, ngọn suối vì một chân lý đời nối đời: Quyết tử cho đất nước hồi sinh! Duy chỉ có mẹ, mắt nay đã mờ, tai đã lãng nhưng vẫn không thôi nhắc về anh - đứa con trai đầu lòng khôi ngô, hiếu thảo. Dường như mẹ sợ, nếu không nói về anh thì mọi người sẽ quên anh mất. Hôm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh lên thăm mẹ Liên dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, mẹ vui lắm. Mẹ nói rằng các con thăm mẹ, nhớ mẹ tức là vẫn nhớ về cha, về chồng và về con của mẹ. Mẹ Liên còn cho biết, hiện nay mẹ sống với gia đình người con trai thứ Nguyễn Văn Danh và được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các cấp, các ngành, mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng mẹ vui hơn khi đất nước không còn cảnh binh đao, chia cách.

Lễ Vu lan. Ảnh: Đình Anh

Nhiều học giả nước ngoài khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam đều nhận định rằng, đây là đất nước của những người mẹ anh hùng. Đó không chỉ vì họ cam chịu hy sinh để cống hiến cho đất nước những đứa con trai, con gái trên các mặt trận chống giặc thù. Hơn hết, không ai khác, những người mẹ Việt Nam đã hun đúc, giáo dục con cái mình lòng yêu nước nhiệt thành, đức hy sinh cao cả. Phẩm chất ấy, đạo lý ấy đã gột tạc nên khí chất, cốt cách của cả một dân tộc và hiển hiện rõ nhất trong các cuộc khói lửa, can qua. 

Lịch sử của mảnh đất này cho thấy, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Nghệ An vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nghệ An có 506.000 con em lên đường nhập ngũ, 32.000 dân quân du kích, 43.000 thanh niên xung phong, trên 200.000 dân công hỏa tuyến. Sau chiến tranh, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng đối tượng chính sách đứng thứ tư cả nước. Gồm 45.031 liệt sỹ, 42.148 thương binh, 18.547 bệnh binh…  Đặc biệt tỉnh có 2.630 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm hỏi, động viên mẹ Thái Thị Yêm, xóm 5, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Quốc Sơn

Tuy vậy, hẳn tất cả các bà mẹ trên mảnh đất dày đau thương này không bao giờ mong muốn mang nặng, đẻ đau, nuôi con khôn lớn để cầu chút tiếng tăm. Chính điều này càng làm nên phẩm chất ANH HÙNG của những người mẹ Việt Nam. Tôi còn nhớ mới đây khi được đi cùng đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Yêm, 90 tuổi ở xóm 5, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương), mẹ bảo, giờ đây dẫu có nhắm mắt xuôi tay thì mẹ cũng yên lòng vì có các con - những người mẹ không sinh ra, nuôi nấng nhưng luôn dành cho mẹ tình thương yêu, sự quan tâm, chia sẻ.

Mẹ Thái Thị Yêm có hai con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là liệt sỹ Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Chất. Một người con trai khác là thương binh. Truyền thống cách mạng, cống hiến, hy sinh dường như là sợi dây vô hình xuyên suốt trong gia đình mẹ Yêm. Cháu nội của mẹ - Đại úy Nguyễn Đình Tài, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã bị thương nặng trong khi bắt tội phạm trên khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn cách đây mới hơn 1 năm. Hiện nay, Đại úy Nguyễn Đình Tài phải ngồi xe lăn và vẫn đang điều trị vết thương, nhưng đức hy sinh, sự dũng cảm của anh trở thành tấm gương, nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ trong toàn tỉnh học tập, noi theo.

Mùa Vu lan dành cho mẹ có thể không có bánh, có hoa và sự vui vầy từ ánh mắt, nụ cười của những đứa con mẹ đã đứt ruột đẻ ra. Mùa Vu lan của mẹ cũng không có đóa hồng cài trên ngực trái, chỉ có những bông cúc trắng mẹ đặt lên ban thờ, đốt một nén hương và cầu mong ở cõi xa con theo làn khói tìm về. Mùa Vu lan của mẹ còn có những đứa con dẫu mẹ không sinh ra nhưng vẫn vì cái nghĩa, cái tình, vì một niềm tri ân mà về bên mẹ. Họ thay con báo hiếu với mẹ và bởi thế đất nước mình mãi trường tồn. 

Nghi thức cài hoa hồng trên ngực áo cho các bậc sinh thành. Ảnh tư liệu: Huy Thư