(Baonghean) - Trong không khí náo nức của Tết Độc lập 2/9, về với nhiều miền quê Nghệ An, bà con đang khẩn trương thu hoạch mùa; tối tối, đường làng, ngõ xóm, thiếu nhi rộn rã tập văn nghệ chào mừng ngày Quốc khánh. Thật xúc động khi đến với những mái nhà bình dị ở Diễn Châu vào những ngày này, trong mái nhà ấm cúng, mỗi người dân thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Bác với tấm lòng biết ơn vô hạn…
…Trong ký ức dày những kỷ niệm của cuộc đời người lính, ông Đậu Minh Châu, xóm 9, Diễn Thành luôn coi Bác Hồ là người Cha già, gần gũi yêu thương. Đạo đức sáng ngời, trí tuệ mẫn tiệp cùng với khát vọng cao đẹp của Người luôn là ngôi sao soi sáng trên con đường hành quân của ông và đồng đội. Nghĩ đến Bác, ông và đồng đội như được tiếp thêm sức mạnh để giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.
Còn nhớ mùa Đông năm 1954, lúc đó ông 20 tuổi, là một ngư dân đánh cá ở Diễn Châu đang cùng cha trên con thuyền trở về bến, được biết làng đang tuyển quân đi bộ đội, ông liền xung phong lên đường. Gia đình cũng kịp làm đám cưới cho ông với một thôn nữ ở làng. Sau đám cưới 3 ngày, tạm biệt người vợ trẻ, ông biền biệt trên đường hành quân. Là bộ đội phòng không, ông và đại đội của mình có mặt ở những nơi ác liệt nhất như: Sân bay Vinh, cầu Hàm Rồng, cầu Long Biên... Năm 1964, khi đó, ông là Đại đội phó, được trở về quê nhà chiến đấu tại Sân bay Vinh. Ông bồi hồi nhớ lại: Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Vinh, chúng bay từng đội từ biển về, thả bom xuống thành phố.
Ông cùng đồng đội lập nên chiến công xuất sắc, đó là bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu trên Thành phố Đỏ. Sau đó, theo đường hành quân cùng trung đoàn đến cầu Long Biên, rồi tham gia Điện Biên Phủ trên không, giải phóng Sài Gòn... Nhờ được giác ngộ, được đi bộ đội, tham gia giải phóng đất nước, cuộc đời ông được sang trang mới. Cũng nhờ đi bộ đội, ông đã hai lần được gặp Bác Hồ, được Bác Hồ tặng quà. Lần giở lại ký ức, ông kể với chúng tôi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Đó là năm 1958, khi Sư đoàn 321 của ông đang ở Thái Nguyên. Được tin chuẩn bị đón Bác đến thăm, cả sư đoàn làm thịt lợn, duyệt binh chỉnh tề đón Bác ở đường cái. Nhưng Bác không đi vào đường cái, mà đi vào thăm bếp nuôi quân. Bác hỏi “Các chú làm gì mà mổ lợn thế?”. Mọi người đáp: “Chúng cháu mổ lợn chuẩn bị đón Bác Hồ ạ”. “Thế Bác Hồ to hay nhỏ mà ăn nhiều thịt thế?”, Bác hỏi vui, thế rồi sau bữa cơm đầm ấm, Bác chia tay đi các đơn vị khác.
Lần thứ hai ông được gặp lại Bác Hồ, đó là mùa Thu năm 1963, khi đơn vị ông đang duyệt binh ở Sân bay Bạch Mai để chuẩn bị đón chào Quốc khánh. Bác và đồng chí Võ Nguyên Giáp bước vào. Bác Hồ hỏi: “Các chú tập có mệt lắm không?”, sau câu hỏi thăm ân cần, Bác đi đến từng người, bắt tay và chào để đến đơn vị khác. Chỉ thế thôi mà ông và đồng đội thấy ấm áp biết bao, ai cũng lo tập thật nghiêm túc, thật đều để mừng Quốc khánh.
Nhưng kỷ niệm xúc động nhất mà ông và những người lính phòng không không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Đó là năm 1968, thời điểm đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt nhất, Bác Hồ lúc này đã rất yếu, Bác đi thăm các đại đội pháo cao xạ. Rời các trận địa, Bác quyết định dùng hết tiền lương để mua quà tặng cho bộ đội phòng không, quà của Bác là mỗi người một cân đường và hộp sữa …
Đôi mắt người lính già rưng rưng, kỷ niệm thiêng liêng ùa về khiến trái tim ông rung lên. Rồi chỉ một năm sau, mùa Thu năm 1969, Bác đã mãi đi xa, để lại bao tiếc thương cho đồng bào cả nước…
Bà Cao Thị Bảy – cô thôn nữ năm xưa được gả cho người lính Đậu Minh Châu nay đã 47 tuổi đảng, chồng đi chiến đấu xa, bà ở nhà tần tảo tham gia hoạt động cách mạng và nuôi các con trong khó nhọc. Bà kể, khi Bác Hồ mất, cả làng, cả huyện ai ai cũng khóc... Bác Hồ ra đi khi đất nước chưa được thống nhất, bà và nhiều người phụ nữ ở nhà càng căm thù giặc, hăng say sản xuất, tham gia kháng chiến. “Không có Bác làm gì có ngày hôm nay! Khi Bác còn sống, chúng tôi đã treo ảnh Bác Hồ, từ khi Bác mất nhà tôi làm bàn thờ và thờ Bác cho đến nay”- bà Cao Thị Bảy tâm sự.
Trong gia đình người lính Đậu Minh Châu năm xưa, sau này là sỹ quan nghỉ hưu, vị trí trang trọng nhất ở phòng khách được dùng để thờ Bác Hồ. Rằm, mồng Một, Tết hay ngày Quốc khánh… ông bà đều thắp hương tưởng nhớ Bác. Còn bàn thờ gia tiên, ông bà thờ ở phòng kế bên. Hôm nay, ngoài vườn có mấy quả na sắp chín, ông Châu ra vườn, chọn quả đẹp nhất, hái vào, rửa sạch và dâng lên Bác với lòng thành kính. Nén nhang cháy lên niềm tự hào về vị lãnh tụ của dân tộc.
Tôi theo ông Châu đi thăm các gia đình trong xóm ở Diễn Thành. Diễn Thành đất chật người đông, xã đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế, dịch vụ biển, dịch vụ nông sản và trồng rau màu hàng hóa. Đang rộ mùa vừng, ai nấy đều phấn khởi bởi vừng được giá, tính ra một sào vừng được 2 triệu đồng, nhà cửa ở Diễn Thành nhờ vậy ngày càng khang trang, cuộc sống của người nông dân đã ấm no hơn rất nhiều nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thật đáng trân trọng, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ. Từ người nông dân đến cán bộ xã nghỉ hưu, ai cũng nói về Bác với lòng thành kính. Nhà anh Phan Ngọc Quế, Nguyễn Văn Hảo, Đậu Ngọc Ánh, Đậu Minh Tường… và rất nhiều gia đình đều dành một không gian ở phòng khách để tưởng nhớ đến Bác.
Xóm trưởng xóm 9, Diễn Thành - Đậu Xuân Hồng còn khá trẻ, cười rạng rỡ: “Chúng tôi coi Bác như cha, như mẹ, bà con ở đây thờ Bác từ xưa đến nay. Nhà nhà đều treo ảnh Bác, thờ Bác…”. Lòng tôi bỗng rộn vui đến lạ khi được biết không chỉ Diễn Thành, mà ở Diễn Ngọc, Diễn Yên, Diễn Cát, Thị trấn Diễn Châu, rất nhiều gia đình thờ Bác Hồ như nhà ông Châu. Như được trở về tuổi thơ của mình, tôi nhớ đến ông tôi, mỗi mùa Xuân về đều cắt những bông đào giấy để trang trí bàn thờ Bác Hồ. Để rồi dì tôi, cậu tôi sau này, đã dành thời gian trồng thêm nhiều đào phai, đến Tết có hoa đẹp đón xuân và để dâng lên bàn thờ Bác.
Ngày Tết Độc lập, thiếu nhi các xã nô nức tập duyệt rước ảnh Bác. Những thiếu nhi chăm ngoan, học giỏi nhất mới được rước ảnh Bác. Kỷ niệm đó và trong buổi chiều lấp lánh hoàng hôn này, bên những bát nước chè của người dân quê biển ấm tình với Bác, tôi càng hiểu thêm sức mạnh của dân tộc, của quê hương, tình cảm của người dân Việt Nam đối với công lao trời biển của Bác Hồ, nơi những thế hệ như ông Đậu Minh Châu, bà Cao Thị Bảy, Xóm trưởng Đậu Xuân Hồng… đang gìn giữ, đắp bồi.
Bài, ảnh:Châu Lan