(Baonghean.vn) - Hiện bà con trồng sở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang tất bật cho việc thu hoạch sở. Năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão đã làm cho sản lượng sở của nhiều hộ dân giảm mạnh.
Gia đình ông Trình Xuân Mùi ở thôn 6, xã Quỳnh Châu có 1ha sở đang thu hoạch. Những ngày này, gia đình ông tập trung nhân lực và thuê hơn 10 lao động để thu hái. Với diện tích trên, ông Mùi dự kiến thu hoạch được 7 tấn quả tươi. Với giá bán cho thương lái là 18.000 đồng/kg, mùa này, gia đình ông có hơn 100 triệu đồng.
Ông Mùi chia sẻ: Trồng sở sau 7 năm thì cho thu hoạch, một năm cho thu hoạch một lần, năng suất tương đối ổn định. Thế nhưng năm nay cơn bão số 2 đã làm rụng nhiều, ước tính mất khoảng 3 tấn quả, thu nhập có sụt giảm.
Còn gia đình ông Nguyễn Trọng Tử ở xóm 4A, xã Quỳnh Châu lại chờ cho quả sở chín, rụng xuống đất và tự nứt hạt ra sau đó ông thuê người đi nhặt. Gia đình ông có gần 3ha sở, đến nay, sau gần 1 tháng thu hoạch, ông đã bán được 2 tấn sở hạt, thu về 70 triệu đồng và hiện nay vẫn tiếp tục nhặt hạt sở. Ước tính mùa sở này gia đình ông Tử thu về khoảng 150 triệu đồng.
Xã Tân Thắng là địa phương có diện tích trồng sở lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu. Toàn xã có 61,3ha, trong đó có 35,2 ha đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, cơn bão số 2 vừa qua làm thiệt hại nhiều cho bà con trồng sở, ước tính năng suất giảm còn 1,2 tấn hạt khô/ha (giảm khoảng 50% so với các năm trước).
Trồng sở so với các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt thì không bằng nhưng ngược lại cho thu hoạch lâu năm, đỡ tốn công chăm sóc, một năm chỉ cần bón phân 2 lần. Ngoài ra, đầu ra sản phẩm cũng thuận lợi, có thương lái vào thu mua tận nơi. Hiện nay, cây sở được nhiều hộ dân các xã miền núi như Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tấn Thắng huyện Quỳnh Lưu chọn trồng để thay thế một số diện tích cây trồng khác kém hiệu quả.
Sở là loài cây thuộc giống chè, có thời gian sinh trưởng lâu năm, khả năng thích nghi với nhiều điều kiện địa hình và khí hậu, không bị sâu bệnh. Sản phẩm chính của loài cây này là lấy hạt để ép dầu làm thực phẩm, chế biến xà phòng, làm thuốc chữa bệnh ngoài da và dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu... |
Thúy Nga