Nhiều vụ tai nạn điện giật đã xảy ra trong mùa nắng nóng dẫn tới nhiều cái chết thương tâm. Hiện đang là mùa cao điểm nắng nóng, người dân cần cẩn trọng với hệ thống điện trong gia đình.
Tử vong vì điện
Người dân ở tổ 19, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn điện giật gây chết người xảy ra cách đây khoảng hai tuần. Chị Nguyễn Thị Hồng Ân kể lại: Chiều 20/5, tại cột điện tổng nằm ở cuối đường Ngô Văn Sở giao với đường Đoàn Phú Tứ bất ngờ phát ra tiếng nổ. Sau đó hệ thống điện của nhiều hộ dân khu vực tổ 19 bị chập và cháy. Lúc này, anh Bùi Phúc Hiệp (SN 1990, trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đang xạc điện thoại thì bị điện phóng, giật tử vong.
“Sau tiếng nổ lớn, hệ thống điện trong gia đình tôi bị cháy, lửa bắn tung tóe, mọi người hoảng sợ, bỏ chạy ra ngoài. Nhiều vật dụng như tivi, laptop…trong nhà bị hư hỏng nặng”, chị Nguyễn Thị Hồng Ân kể lại.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, vào chiều 20/5, có hai nhân viên của Viettel đi bắc cáp truyền hình, trong lúc vứt dây cáp qua những dây điện nằm phía dưới thì bất ngờ vướng vào dây điện cao thế 110KV ở phía trên. Tuy nhân viên đó thoát chết nhưng đã gây chập điện khiến 60 hộ dân bị cháy nổ những thiết bị trong gia đình.
Cũng bị điện giật tử vong thương tâm là trường hợp em Võ Nguyễn Ngọc Minh (SN 1997, trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng; học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Chu Trinh). Vào khoảng 17h ngày 30/3, trong khi đang tắm ở nhà thì bất ngờ em Minh bị điện giật, tử vong.
Người dân nên cẩn trọng
Nói về vấn đề này, ông Ngô Công Thành, Trưởng ban An toàn- Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, một số hành vi chủ yếu dẫn đến tai nạn điện như trẻ em thả diều vướng vào đường dây cao áp dẫn đến phóng điện gây tai nạn; trẻ em trèo bắt chim làm tổ trên đầu cột điện cao áp vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây tai nạn; các đơn vị thi công kéo sắt xây dựng nhà gần với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp để cây sắt va quẹt vào đường dây vi phạm khoảng cách an toàn gây tai nạn và đơn vị treo cáp viễn thông trên cột điện không có biện pháp an toàn cụ thể cho từng công việc trong quá trình thi công, không có người có nghiệp vụ về giám sát an toàn điện và không đăng ký công tác với đơn vị quản lý vận hành của ngành điện.
Theo ông Thành, trong 5 tháng đầu năm 2015, trên hệ thống lưới điện do Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã xảy ra 4 vụ tai nạn điện trong nhân dân, chủ yếu là do lỗi vi phạm của người dân. Không có vụ nào do mất an toàn lưới điện.
“Để đảm bảo an toàn sử dụng điện trong nhân dân, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền an toàn điện đến người dân thông qua các hình thức như phát tờ rơi an toàn điện cho các hộ khách hàng sử dụng điện, tuyên truyền sự nguy hiểm về điện qua hình ảnh các vụ tai nạn điện trên các đài phát thanh truyền hình cũng như các cuộc nói chuyện tại các trường học về sự nguy hiểm của điện, các nguyên tắc về an toàn điện...”, ông Thành cho biết.
Ngành điện lực cũng khuyến cáo, các hộ dân sống gần hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải chấp hành nghiêm quy định. Cần đặc biệt chú ý không tự ý xây dựng, lắp đặt các thiết bị gần đường dây cao áp gây mất an toàn hoặc trèo lên cột điện mà ngành điện đã treo biển cấm hoặc cảnh báo nguy hiểm...Các đơn vị viễn thông khi lắp cáp cần phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện thuộc ngành điện để khảo sát tại vị trí thi công, đưa ra phương án thi công cụ thể đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, có trang thiết bị phù hợp cho nhân viên...
Theo Giadinh.net