(Baonghean.vn) - Theo báo cáo nhanh của UBND các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương và Thành phố Vinh, đợt mưa lũ làm 3 người chết; 8.225 hộ bị ngập, 7 hộ phải di dời; hơn 11.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại.
» Nghệ An có 240 vị trí nguy cơ xảy ra lũ ống lũ quét, sạt lở đất
3 người bị chết trong lũ là: em Phạm Ngọc Hoàng, sinh năm 2003, lớp 8B trường THCS Nam Kim, trú quán xóm Tam Giác, xã Nam Kim, trên đường đi học bị nước lũ cuốn trôi vào sáng ngày 15/10/2016; anh Nguyễn Vĩnh Hà, sinh năm 1987, trú quán xóm 16, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành bị nước cuốn trôi lúc 15 giờ ngày 15/10/2016 và anh Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1974, trú quán tại xóm Yên Trung, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, bị đuối nước lúc 8 giờ sáng ngày 17/10/2016.
8.225 hộ bị ngập lụt ở các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, TP Vinh, Nghi Lộc, Yên Thành; 7 hộ phải di dời (huyện Nam Đàn 4 hộ, Nghi Lộc 3 hộ).
Diện tích lúa mùa bị ngập: 1.818,0 ha; ngô và rau màu các loại bị ngập: 8.077,6ha; cây ăn quả tập trung và cây trồng hàng năm bị ngập: 66,3 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập: 2.215 ha:
Mưa lũ cũng cuốn trôi 39 con gia súc; 9.312 con gia cầm; 10.460 m kênh mương thủy lợi bị sạt lở; nhiều đoạn đường bị ngập và sạt lở đất dọc các sông, suối.
Ước tính giá trị thiệt hại ban đầu do mưa lũ ở Nghệ An khoảng: 289,29 tỷ đồng.
Trước diễn biến của thời tiết, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện số 1829/CĐ-TTg, ngày 16/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 32/CĐ.UBND ngày 17/10/2016 của UBND tỉnh về việc khắc phục mưa lũ, ứng phó khẩn cấp bão số 7.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết; Huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để xử lý tốt các điểm ngập úng cục bộ. Động viên nhân dân, huy động các lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên tranh thủ thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa còn lại theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch; chuẩn bị giống cho sản xuất nông nghiệp để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ. Triển khai xử lý môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sinh hoạt; cung cấp thuốc chữa bệnh, hoá chất xử lý, không để dịch bệnh bùng phát ở người và vật nuôi.
Cùng đó triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 7, bố trí lực lượng chức năng trực ban 24/24 để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ.
Nguyên Nguyên