(Baonghean) - Trong những ngày tháng Giêng – tháng lễ hội, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông để hạn chế nguy cơ tai nạn trở nên rất cấp thiết.
Số người chết do tai nạn giao thông Tết Đinh Dậu tăng so với năm ngoái
Trong số những vụ tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán vừa qua trên địa bàn tỉnh, có những vụ đã để lại hậu quả hết sức nặng nề như: Vào 13h ngày 1/2 (mồng 5 Tết), tại cầu Rộ, thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, vào thời điểm trên, xe ô tô BKS 37C - 062.02 do anh Phạm Văn Lai (41 tuổi) trú tại TP. Vinh điều khiển lưu thông trên cầu Rộ thì va chạm với 2 xe máy BKS 29U6 - 2956 và 37H6 - 4607 đang lưu thông chiều ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến 3 người đi trên 2 xe máy bay qua lan can cầu Rộ rơi xuống sông Lam. Hậu quả, bà Nguyễn Thị Xuân (61 tuổi) cùng con dâu Vi Thị Huệ tử vong tại chỗ, cháu Võ Hùng Huy 3 tuổi bị thương nặng và cũng tử vong sau đó.
Anh Võ Văn Tĩnh 30 tuổi (chồng chị Huệ) bay vào lan can cầu, đứt lìa chân. Các nạn nhân đều trú tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương. Theo đại tá Lương Thế Lộc - Trưởng Công an huyện Thanh Chương thì lái xe ô tô vi phạm luật giao thông vì chạy quá tốc độ, lấn sang làn đường của xe máy, nồng độ rượu vượt quá mức cho phép là 0,37miligam/lít khí thở.
Cũng trong dịp nghỉ Tết, tại huyện Tương Dương đã xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 3 người. Theo đó, khoảng 16 giờ ngày 29/1, xe máy chở 3 người lưu thông trên Quốc lộ 7A, đoạn qua xã Lưu Kiền (Tương Dương) đã va chạm với một ô tô con mang BKS Lào. Cú va chạm mạnh khiến cả 3 người là con rể Dương Văn Piềng (SN 1992 ở bản Lở) cùng bố mẹ vợ gồm ông Lữ Văn Công, bà Lô Thị Chói (ở bản Ang, xã Xá Lượng) đi trên xe máy văng xuống đường tử vong ngay tại chỗ.
Không chỉ các tuyến quốc lộ, mà tại các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã... cũng xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Như vụ tai nạn giao thông đường sắt vào ngày 1/2 tại huyện Quỳnh Lưu khi chiếc xe ô tô 4 chỗ mang BKS 37A 26... cố tình vượt đường ngang dân sinh để về Cầu Giát thì bị tàu hỏa chạy hướng Vinh - Hà Nội lao tới đâm văng xuống ruộng, cách vị trí ban đầu đến 10m.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh, trong 7 ngày, từ 26/1 - 1/2 (tức ngày 29/12/2016 đến ngày 5/1/2017 âm lịch), toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 7 người. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 1 vụ, số người chết không tăng, không giảm, tăng 3 người bị thương. Trong đó, va chạm giao thông 3 vụ, 4 người bị thương; TNGT nghiêm trọng 3 vụ, 5 người chết, 4 người bị thương; TNGT đặc biệt nghiêm trọng 1 vụ, 3 người chết. |
Vẫn là câu chuyện ý thức người dân
Qua thống kê của Sở Y tế Nghệ An, từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch, trong số 6.449 người nhập viện cấp cứu, thì đã có tới 1.143 người nhập viện do tai nạn giao thông (với 6 ca chấn thương sọ não phải phẫu thuật, 2 người tử vong).
Vào dịp Tết, người dân thường xuyên tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu bia.Vụ tai nạn do tài xế Nguyễn Văn Lai gây ra làm 3 người chết ở Thanh Chương là một ví dụ.
Hơn nữa, dịp Tết, có một số lượng lớn học sinh, sinh viên, người lao động về quê đoàn tụ cùng gia đình. Thành phần này chủ yếu là người trẻ, nhiều người ý thức tham gia giao thông rất kém. Theo quan sát, tại hầu hết các đường làng, ngõ xóm hay trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ rất nhiều người trẻ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, dàn hàng ngang chiếm gần hết phần đường, tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải trong dịp Tết mỏng, khi phát hiện vi phạm cũng chủ yếu nhắc nhở, có khi xử phạt chưa thật kiên quyết nên rất nhiều người tỏ ra chủ quan.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khách quan là thời tiết dịp Tết Đinh Dậu nắng ráo, dẫn đến lượng người tham gia giao thông tăng cao so với Tết Bính Thân.
Dù Tết Nguyên đán đã qua, nhưng tháng Giêng với rất nhiều lễ hội được tổ chức, nhu cầu đi đền, chùa cầu may, xin lộc, nhu cầu đi lại vẫn ở mức cao, đồng nghĩa với nguy cơ ách tắc, lộn xộn và tai nạn giao thông tăng. Điển hình là tại các đền, chùa tình trạng mất an toàn giao thông liên tục gia tăng do sự phối hợp của chính quyền địa phương và ban quản lý các đền, chùa còn lỏng lẻo.
Hầu hết các con đường dẫn vào các đền, chùa luôn bị ách tắc trong những ngày cao điểm, phần lớn do ý thức tham gia giao thông của người dân hạn chế, cộng thêm hàng quán, các bãi giữ xe tự phát lấn chiếm lòng, lề đường...
Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh khuyến cáo: Nghệ An có rất nhiều đền chùa, lễ hội diễn ra vào dịp tháng Giêng và tháng 2 nên sẽ có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông, nhất là những đền, chùa sát với các tuyến quốc lộ (đền Cuông, đền Cửa Rào, đền Ông Hoàng Mười), liên xã (đền Cờn)... Mỗi người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Đặc biệt, một khi đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về phía ngành, ngoài việc tiếp tục thực hiện các Kế hoạch đảm bảo ATGT, sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông ở các điểm lễ hội; tiếp tục huy động tối đa lực lượng và phương tiện tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các giao lộ, tụ điểm phức tạp về TTATGT.
Tại các khu vực diễn ra lễ hội, công tác tuần tra, kiểm soát sẽ được tăng cường để kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm ATGT, nhất là tại các khu vực đền, chùa, góp phần để người dân có được một mùa lễ hội an toàn.
Từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng âm lịch, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh tổ chức 408 ca tuần tra kiểm soát giao thông với 1.470 cán bộ, chiến sỹ tham gia; Phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông 158 trường hợp (trong đó, có 52 trường hợp điều khiển ô tô, 83 trường hợp điều khiển mô tô, 6 trường hợp điều khiển xe máy điện); Tạm giữ 11 mô tô, xe máy. Có 178 trường hợp đã chấp hành xử phạt với số tiền nộp phạt là 116.800.000 đồng. |
Cảnh Nam