Viêm da dị ứng thường xảy ra trong mùa lạnh, bởi độ ẩm không khí thấp, da rất dễ bị hanh khô. Ngoài ra, việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm, thuốc nhuộm tóc không phù hợp hoặc tiệc tùng...
Theo BS Bùi Nguyễn Phương Anh - Trung tâm điều trị và chăm sóc da Marianna, VDDƯ là từ chỉ chung một “nhóm bệnh” liên quan đến vấn đề dị ứng da như: viêm da tiếp xúc hay còn gọi là chàm tiếp xúc, kích ứng da, mề đay…
Các triệu chứng thường gặp nhất của VDDƯ là: da khô và ngứa, phát ban trên mặt, bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối, trên bàn tay và bàn chân.
Viêm da tiếp xúc
Bệnh viêm da tiếp xúc (VDTX) xảy ra ở nhiều lứa tuổi, tùy theo cơ địa, môi trường sống của mỗi người mà có thể bị VDTX với thành phần khác nhau.
VDTX là tình trạng da phản ứng khi tiếp xúc với các chất hoặc vật dụng có khả năng gây dị ứng. Biểu hiện là da bị viêm đỏ, chảy nước, sưng và ngứa nhiều tại chỗ tiếp xúc.
Có rất nhiều hóa chất có thể gây dị ứng da: chất nhuộm, xăng dầu, nhựa, cao su, thuốc sát trùng, chất tẩy, xà phòng, dầu thơm, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc và các loại dây đeo (nữ trang, đồng hồ, mặt dây nịt...).
Tại vùng da bị tiếp xúc, xuất hiện triệu chứng ngứa, viêm đỏ, rỉ nước, phù nề, đặc biệt rất ngứa. Nếu bị nhiều lần, da thường dày lên do gãi, chà xát.
Nếu phản ứng da nặng, thường do hóa chất dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, các dấu hiệu trên có thể xuất hiện rải rác toàn thân, đôi khi kèm theo nổi mề đay hoặc xuất hiện cơn hen phế quản ở người bị hen phế quản trước đó.
Cách xử trí: người bệnh phải lưu ý và thông tin đầy đủ để thầy thuốc tìm ra các hóa chất, vật dụng gây VDTX. Sau đó, không tiếp tục dùng sản phẩm, đồ dùng đã gây dị ứng.
- VDTX nhẹ: chỉ ngứa, rỉ nước vùng da nhỏ có thể bôi dung dịch milian, tím gentian, rửa thuốc tím hoặc kem corticoid nhẹ. Nhưng cần nhớ: nếu bôi trong ba ngày không bớt, phải đi khám, không được bôi thuốc nhiều lần và quá ba ngày. Ngoài ra, không được bôi các bột kháng sinh như penicilline, tetracyline... vào chỗ da ngứa, chảy nước.
- Trường hợp nặng hơn: ngứa lan rộng, phản ứng nhiều nơi, nên đến bác sĩ khám để được điều trị đúng cách.
Kích ứng da
Thường gặp nhất là kích ứng da do mỹ phẩm. Da xuất hiện các triệu chứng cấp tính như nóng, đỏ, rát, châm chích, nổi hột nước, ngứa, gây những hệ quả kéo dài cho vùng da bị tổn thương như khô và yếu, mất sức đề kháng, mất nước. Làn da trở nên thô ráp, bong tróc, vùng da tổn thương loang rộng khiến sắc tố da trở nên sạm xỉn, tối màu, các mao mạch dưới da bị vỡ.
Vấn đề điều trị phụ thuộc vào việc xác định chất gây kích ứng, tạm dừng sử dụng chất gây kích ứng trong một thời gian. Có thể uống thêm các thuốc kháng histamine, corticoid liều thấp để giảm sưng viêm, giảm ngứa.
Mề đay
Mề đay (MÐ) là một phản ứng gây phù tại chỗ và ở ngoài da. MÐ có hình dạng không đều, kích thước cũng khác nhau: từ sẩn đỏ bằng đầu đũa đến nổi to từng mảng đỏ, sưng phù, luôn kèm theo triệu chứng ngứa. MÐ có thể nổi vào buổi sớm sau khi ngủ dậy, nổi lúc chiều tối hoặc cả ngày.
Vị trí thường nổi MÐ là thân mình, mông, đùi hoặc chỗ da bị bó chặt như lưng quần, áo ngực. Có dạng đặc biệt là MÐ nổi dưới da, thường làm phù mí mắt, phù môi, phù trong cổ họng. Loại MÐ này có thể đi kèm mệt, đau bụng, đôi khi gây khó thở, chết người.
Ðặc điểm của MÐ là xuất hiện từng cơn trong vài giờ rồi biến mất. Nếu kéo dài trong vài tuần là MÐ cấp tính, nếu bệnh trên sáu tuần là MÐ mạn tính.
MĐ gặp ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh, trẻ em đến người trưởng thành, tùy theo lứa tuổi mà thành phần gây dị ứng thay đổi.
Thành phần và nguyên nhân gây MĐ:
1. Thực phẩm, thức uống, gia vị: thức ăn hay bị “đổ thừa” nhất là đồ biển như: sò, nghêu, cua, ghẹ, cá biển; các loại sôcôla, sữa, bơ, phó mát; nhóm thực vật là dưa gang, dưa tây, cà chua, trái dâu, kể cả hành, tỏi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, thức ăn thông thường nhất, “lành nhất” cũng có thể gây bệnh.
2. Các chất phụ gia cũng là yếu tố quan trọng. Chúng có thể là chất tự nhiên như các loại men, con giấm hoặc chất hóa học dùng để bảo quản và nhuộm màu thực phẩm.
3. Thuốc men: có rất nhiều thứ thuốc có thể gây dị ứng và nổi MÐ. Ðáng kể nhất là penicilline rồi đến aspirine, sulfamides; các loại thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị đau nhức xương khớp, thuốc ngừa thai và nhiều loại khác.
4. Nhiễm trùng: các ổ nhiễm trùng, nhiễm nấm tiềm tàng thường gây bệnh MÐ mạn tính như viêm xoang, sâu răng, nhiễm trùng đường tiểu, đường hô hấp trên như viêm mũi - họng.
5. Các loại bụi nhà, bụi phấn hoa, bụi lông thú và các loại ký sinh trùng cũng là nguyên nhân của MÐ mạn tính.
6. Thay đổi nhiệt độ, áp lực cọ xát do quần áo chật bó cũng có thể làm nổi MÐ.
Phòng ngừa
Tốt nhất là nên giữ cho da luôn có độ ẩm thích hợp, tránh tình trạng mất nước bằng cách uống đủ nước, dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng mỹ phẩm, đồ trang sức lạ. Nếu cần có thể bổ sung một số kem làm ẩm da, nồng độ thuốc phải thích hợp với vùng da bị tổn thương. Chẳng hạn, nếu bị khô da ở mặt có thể dùng những loại dầu làm ẩm dành cho trẻ em; còn nếu nứt ở gót chân thì phải sử dụng các thuốc có nồng độ urê từ 20% trở lên (có kết hợp với axit lactic càng tốt). Trước đó, để chấm dứt tình trạng ngứa, bạn có thể thử dùng những thuốc chữa ngứa như benadryl, cholor-trimeton, tavist hay claritin…
Mùa lạnh nên giữ đủ ấm, khi ngứa nhiều thì nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân, không nên cố gãi hoặc chà xát da với rượu, chanh, dầu xanh… sẽ nổi sần, trầy xước da.
AloBacsi.vn