Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, từ ngày 14 đến ngày 16/10/2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to đến rất to; Lượng mưa đo được tại thành phố Vinh: 939,0mm; Hưng Nguyên: 513,8mm; Nam Đàn: 412,0mm; Cửa Hội: 329,0mm; Thanh Chương: 373,2mm.
Mưa lớn đã làm hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh bị ngập sâu trong nước, mức ngập từ 0,3m đến 0,7m. Đặc biệt là các tuyến đường bị ngập sâu trên 1,0m như: Đường Lê Nin, đường Lý Thường Kiệt, đường Lệ Ninh, đường sau chợ Vinh; đường Đặng Thái Thân.
Nhiều khối, xóm bị ngập từ 0,3 đến 0,5m. Đặc biệt khối 12, phường Cửa Nam và khối 1, 14, 15 phường Trung Đô, ngập 1,0m; Khối 1, 13, 14, 15, xã Nghi Kim ngập 0,8m; Khối 13, 14, 15, phường Bến Thủy ngập 1,4m; Khối 2, phường Lê Lợi, ngập 0,3m; Khối 8, phường Lê Lợi, có nơi ngập 1,0m; Khối 8, phường Trường Thi, ngập 0,2m; Khối 13, phường Bến Thủy, ngập 2,0m.
Toàn tỉnh có 5.250 nhà dân bị ngập (trong đó huyện Nghi Lộc: 100 hộ, huyện Hưng Nguyên: 150 hộ, thành phố Vinh: 5.000 hộ). Riêng thành phố Vinh có khoảng 700 hộ tại phường Trung Đô, Bến Thủy phải sơ tán dân, UBND thành phố Vinh đã huy động khoảng 800 người để hỗ trợ dân sơ tán.
Toàn tỉnh có 2.819 ha rau màu bị ngập (huyện Nghi Lộc: 1.100 ha, huyện Hưng Nguyên: 236 ha, huyện Nam Đàn: 1.400 ha, thành phố Vinh: 83 ha); Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập lên đến 1.668 ha (huyện Nghi Lộc: 120 ha, huyện Nam Đàn: 953 ha, huyện Hưng Nguyên: 226 ha, thành phố Vinh: 369 ha).
Tại thành phố Vinh, có 4 nhà bị đổ. Riêng tại núi Quyết, sạt lở đất đã làm 3 nhà dân bị đổ, nhiều nhà khác có nguy cơ bị sập. Phường Trung Đô đã tiến hành sơ tán dân và di chuyển đến nơi an toàn. Tại phường Cửa Nam, một hộ dân ở bên cạnh kênh T1 bị sạt dẫn đến đổ một phần nhà.
Đê kênh Thấp tại xóm 3, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị nước tràn khoảng 1,5 km. UBND huyện đã huy động khoảng 500 người dân, cơ quan đoàn thể trên địa bàn huyện cùng sự hỗ trợ của lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang xử lý chống tràn, bảo vệ đê.
Mưa lớn cũng khiến QL.48E đoạn Km225+300 (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) ngập 0,4m. Trên Quốc lộ 15, đất đá đổ xuống mặt đường tại Km344 +00 - Km346+00. Nhiều tuyến tỉnh lộ tại Hưng Nguyên cũng bị ngập...
Mưa lũ đã gây thiệt hại về người tại Nghệ An. Anh Nguyễn L., sinh năm 1987, quê quán: Tỉnh Bình Phước, tạm trú ở Thành phố Hồ Chí Minh; định cư ở Mỹ; Nguyên nhân chết: Về quê vợ ở xóm 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, đi xem bắt cá thì bịt sét đánh lúc 8 giờ ngày 16/10/2019. Người nhà đã đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện Hưng Nguyên nhưng không qua khỏi.
Ngày 16/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tài và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An ra công điện ứng phó với mưa lớn.
Nội dung công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lớn gây ra, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, mưa, lũ để chủ động đối phó. Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở vùng thấp trũng, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
2. Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước kịp thời phù hợp với tình hình của từng địa phương. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, an toàn đê điều, hồ đập bị sự cố, công trình đang thi công; chủ động tiêu nước chống ngập úng đối với các khu đô thị, đặc biệt là chống ngập úng ở thành phố Vinh và vùng phụ cận. Lưu ý: Các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn thành phố Vinh phải vận hành hết công suất 24/24 giờ.
3. Chủ động lực lượng, phương tiện triển khai kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, sạt lở đất, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
4. Các sở, ban ngành và thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được giao để triển khai các biện pháp ứng phó mưa lớn; Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các phương tiện thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng; cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến của mưa lớn, dự báo, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan ở Trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
6. Thường trực 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về tình hình mưa lớn gây ra về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh biết để kịp thời xử lý.