(Baonghean) - Chắc hẳn, khi tôi nhắc về hoa gạo, bạn nghĩ tôi đang mơ tưởng về một miền quê nào đó ? Một miền quê vời vợi những đồng bãi, có cây gạo tháng Ba cháy đỏ những ngọn lửa lên trời thẳm. Những ngọn lửa thắp lên nhớ thương, những ngọn lửa như muốn sưởi ấm, muốn an ủi lòng người trong cơn rét nàng Bân cùng những lời than thở tưởng đã xưa cũ lắm rồi trên môi bà ngoại ngày xưa: Tháng ba, ngày tám...rồi sẽ dài lắm đây...
Nhưng không, tôi đang kể với bạn về mùa hoa của tôi. Mùa hoa gạo phố Vinh. Khi những chùm xoan tím như thể lơ đãng tỏa hương nơi những tán cây khẳng khiu còn sót lại đầu góc nhà C4, C5 Quang Trung. Mà phố thì ồn ã lắm, nên hoa xoan đành náu lặng mà đợi đêm về, dành tặng cho một kẻ lãng du nào đã bỏ quê về phố, mỗi đêm cũng làm như vô tình mở cửa ban công bất chợt chạm phải mùi hương như chạm phải nỗi thổn thức... Thì cũng là lúc, hoa gạo, một tính cách khác, quyết liệt và rực rỡ, sẽ đánh thức bạn bằng một cú giật mình chói lọi. Bạn không thể không ngẩn ngơ, hút mắt nhìn lên cái màu thắm đỏ một sớm kia, đầy bất ngờ táo bạo, đã nhuộm đỏ một khoảng không phố xá. Ồ, là hoa gạo đó. Hoa gạo trên phố Quang Trung, hoa gạo bên đường Phan Đình Phùng... Hoa gạo gõ cửa Tháng Ba: Cốc cốc cốc... Mùa Xuân đang đi qua!
Tôi không phải người Vinh, nhưng có lần thú nhận rằng mình đã phải lòng hoa gạo của phố Vinh. Nó như một dấu son xưa cũ nơi thành phố ngày càng thêm mới. Nó cứ muốn nhắc nhớ những con người mang hồn quê ra phố. Nó cứ cháy lên để nói rằng không điều gì bị lãng quên. Cũng chính nó, nhắc những con người đang vô tâm, tất bật qua phố kia rằng: Thời gian như tên bay. Thì chỉ mới hôm qua, hôm kia thôi, những đài hoa còn đang vút lên ngọn lửa giữa trời, thì sáng nay, đã thấy những xác đỏ nằm thiêm thiếp bên đường, trên gạch lát đường, trong tiếng thở dài luyến tiếc của ông nghệ sỹ nhiếp ảnh mải mê lễ hội suốt màu xuân đâu đó, chiều kia qua phố mà tự trách cứ: Thế là mình đã lỡ một mùa hoa...
Và, một chút riêng tư, nó đã mang đến cho tôi một tâm hồn đồng điệu... Tôi đang muốn nói về một cô bạn gái, tôi chưa gặp mặt bao giờ, nhưng 2 chúng tôi lại có thể trò chuyện với nhau hàng giờ qua những con chữ. Cô gái ấy là dân phố Vinh này. Nhưng giờ lại lập nghiệp tận Sài Gòn. Cuộc đời lạ lùng thế, nó đem tôi đến cùng thành phố này, và mang người phố Vinh đi xa quê... Bạn đã kể cho tôi nghe về nỗi nhớ phố, về tên những con hẻm, những dải đường bạn qua, những kỷ niệm, vấp ngã, những mối tình học trò đẹp như mộng... Hẳn rằng, vì chúng tôi có chung tình yêu với thành phố Vinh. Tình yêu của một người đi xa luôn khắc khoải nhớ về, của một người đến và không thể rời xa...
Bạn nói mình luôn nhớ cuồng quay về những cây gạo biếng lười nằm ngủ từ mùa đông vắt sang cả ngày xuân trong thành phố Vinh. Sù sì, lầm lì khô khốc tưởng như không còn chút sức sống. Và một sáng xuân kia, khi những đợt sương mù tháng ba mềm như tấm khăn voan mỏng mảnh vắt qua thành phố nhỏ, trên đường đi học bạn bắt gặp những nụ hoa chẳng biết đã kết nụ từ lúc nào, bỗng chúm chím đo đỏ như những ngọn nến thắp trên cây. Và chỉ một hai hôm sau đó, những ngọn nến ấy sẽ bung xòe những cánh thắm đỏ với tràn trề ấp áp và sự kiêu hãnh của mình.
Cây gạo bên đường Phan Đình Phùng vẫn thủy chung với bạn như một người thân quen cũ. Ở dưới gốc gạo là quán nước của bà cụ ngoài 60. Dăm ba lần bạn với thằng bạn thân gần nhà ra đó ngồi uống nước. Bạn tíu tít kể cho nó nghe chuyện yêu anh này không thích anh kia mà không hề biết nó cười tủm tỉm đấy nhưng thầm mắng trong lòng rằng có một người ngồi bên cạnh đây sao không biết? Và bạn chỉ biết điều đó khi cả hai đã quá xa nhau.
Bà cụ ấy bạn không nhớ tên, có lần gặp bố đạp xe than ra chợ bán, hỏi thăm về bạn. Biết bạn chồng con rồi, sống ổn rồi thì cười hài lòng lắm lắm như thể đang trò chuyện về đứa cháu thân tình nào đó đã lâu không gặp. Bố kể cho bạn điều đó, và bạn nhớ vị ngọt pha lẫn nhân nhẩn chát đắng, thơm cồn cào của bát chè xanh bà cụ rót ra mời. Bát chè xanh để trên bàn gỗ nâu thi thoảng hoa gạo rụng đồm độp bên cạnh yên tĩnh đến giật mình.Trong vô vàn những nhớ thương của bạn, bạn nhắc thật nhiều về những cây gạo phố Vinh.
Bạn kể, còn cây gạo bên đường Quang Trung, thì ngay góc nhà chung cư cô bạn thân ở nhìn ra. Cô bạn ở tầng 5, 2 đứa thường leo tít lên đó ngó xuống cái vạt đỏ thắm và kể cho nhau nghe về cô bé A xôn trong truyện “Cánh buồm đỏ thắm”. Không hiểu sao 2 cô bạn lại nhận thấy có sự liên quan rất gần của cánh buồm đỏ thắm và những bông gạo đỏ thắm lưng chừng mắt. Bạn nghĩ về cô bé nghèo mơ mộng như mình, trong veo như mình, nghĩ về hoàng tử chỉ cần có gia tài là lòng nhân ái. Vậy là đủ. Bây giờ, thì thay bằng khu chung cư cũ kỹ xập xệ xưa, chung cư cũ đã xây mới. May thay, cây gạo ấy vẫn còn đó. Nó là nhân chứng cho biết mấy dời đổi của phố, của mỗi phận người. Mỗi lần từ nắng gió phương Nam về vội, bạn vẫn kiếm cho mình một cái cớ qua lại đường Quang Trung, chỉ để nhìn lên cái vòm cây xưa cũ ấy, mơ lại giấc mơ cánh buồm...
Bạn nhớ nhất cây gạo nở bừng ngay trước cửa nhà bạn, bên sân hợp tác xã đối diện nhà, chỉ cách con đường nhỏ nhỏ. Bạn nói, đó là Hợp tác xã Tân Thành, hay Tân Tiến chi đó. Gần nhà bạn ở đường Nguyễn Công Trứ. Có lần mẹ bạn và bạn cùng lau dọn nhà, sàn nhà ướt nước lấp loáng bóng dáng cây gạo cổ thụ trùm kín căn phòng. Bóng nắng mang theo bóng hoa đỏ, bóng lộc non chanh và cành nâu già in trên nền gạch hoa văn loại chỉ bằng gang tay trông rất đẹp mắt. Thi thoảng có gió, những hình ảnh ấy lại nhẩn nha run run nhè nhẹ. Bạn phải đứng nhìn ngẩn ngơ tới vài phút. Mẹ nói vui: “Nhà mình khỏi cần cắm hoa cũng có hoa đầy nhà”. Thật lâu rồi bất chợt bạn nhớ lại kỷ niệm ấy, khi mẹ đã đi xa và cay cay sống mũi. Bạn nhớ chẳng bao giờ mẹ bạn – người phụ nữ lam lũ ở phố, nghĩ tới chuyện mua hoa ngoại trừ ba ngày Tết. Bạn thương cả những bóng hoa tràn vào nhà ấy.
Cây gạo bên sân hợp tác xã ấy gắn liền với tuổi thơ của bạn. Cây gạo cổ thụ rất cao nên bạn chưa từng có ý nghĩ có thể hái hoa trên cây và nghĩ ngay tới việc nhặt hoa rụng. Nhìn từ trong nhà ra, cảm giác cây chỉ cách mình chỉ vài lần tay với. Nhưng để đứng dưới gốc gây phải đi vòng mất một quãng vì hợp tác xã bao bọc một dãy tường dài. Có lần bạn vòng vào đó, lũ trẻ con trong sân hợp tác xã nhìn bạn với con mắt lạ hoắc, không cho sờ tới cả những bông hoa rụng. Trẻ con vẫn luôn giữ cho mình vài ba cái quyền sở hữu rất vô lí. Bạn đi về nhà và nghĩ giá mà không có bờ tường ấy.
Một lần, quả thực, bức tường đã bị đập đi, khi những khu hợp tác xã trong thành phố đã bị giải thể lâu lắc. Đất hợp tác xã ngày đó cho thuê làm nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… trở nên đắt đỏ và cây gạo già bị chặt đi lúc nào đó bạn không hề hay biết khi đang đi học xa nhà. Chỉ biết tới tận bây giờ đôi khi bạn vẫn đứng trước thềm nhà và vẫn thấy hình ảnh cây gạo già rực rỡ nở hoa mỗi độ tháng ba về. Bạn mỉm cười khi nghĩ về điều ấy, thân mến như vẫn mỉm cười nhớ về một người bạn thân quý đã lâu thật lâu không còn gặp lại.
Tầm này năm ngoái, những ngày cuối cùng của mẹ bạn. Mẹ bạn, đôi khi có những quãng bình an giữa những cơn đau vẫn nói, không biết lúc nào mẹ khỏe hơn lại một chút để Hương đưa mẹ quay lại Sài Gòn thay ống dẫn thông mật. Bác sĩ thay xong mẹ sẽ hết đau, như hồi tháng 11 ấy. Lúc ấy mẹ đã đi chợ, quét nhà nấu cơm lại được rồi. Bạn nói với mẹ rằng, mẹ cố ăn mới có sức khỏe lại chứ, để dỗ dành mẹ từng thìa cơm muỗng nước. Bạn không bao giờ để mẹ biết rằng sức khỏe của mẹ chỉ tính được từng ngày, từng ngày. Và những lúc sau đó khi lòng hoang hoải quá thể, chỉ muốn gào lên khóc thật to vì biết chẳng thể nào để có thể giữ mẹ ở lại, bạn bước ra khỏi nhà đi lòng vòng. Chỉ cách nhà bạn dăm bước chân là cây gạo cổ thụ ngay đầu đường dẫn vào đền Hồng Sơn. Đứng ở dưới gốc gây, nhìn lên cành khẳng khiu trơ xương nở đầy hoa đỏ như in lên nền trời nhiều mây xám bạc, bạn thấy lòng mình như có ai đó dịu dàng dỗ dành...
Và Hương ơi, mình biết, khi nhắc lại với bạn những kỷ niệm này, hẳn rằng bạn lại khóc. Tháng Ba lại về rồi, bạn ở một nơi không có một cây gạo nào. Thời tiết nơi bạn ở không phù hợp với loại cây này. Bạn cứ hỏi: Liệu phố ta có chặt đi những cây gạo cũ? Bạn sợ một ngày về, chẳng còn bóng gạo. Hẳn lòng sẽ chông chênh lắm. Nhưng Hương ơi, cây gạo trên phố ta đã bắt đầu thắp lửa. Chỉ cần 1 cây gạo thôi đã làm thành cả một mùa hoa ở phố Vinh của ta...
Thùy Vinh - Võ Hương