(Baonghean) - Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh hiện đang có khá nhiều bất cập. Khi xảy ra cháy rừng, một số địa phương thiếu trang thiết bị, lực lượng tham gia chữa cháy hoạt động lúng túng, chưa hiệu quả. 

Thiếu kỹ năng, trang thiết bị

Điểm lại vụ cháy rừng ngày 12/6/2016 tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương) giáp ranh xã Nam Lộc (Nam Đàn), trong khi lực lượng bộ đội chính quy cùng lực lượng kiểm lâm đang dốc sức chữa cháy, thì lực lượng dân quân tự vệ và người dân được huy động đến chữa cháy rừng hầu hết... đứng xem; khi được hỏi một người dân cho hay: “Chúng tôi chỉ đi tiếp tế nước, vì không có dụng cụ nên không thể tham gia dập lửa trực tiếp. 

images1875380_bna_58ef7d494d4dd.jpgPhát dọn thực bì tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Văn Trường

Rồi vụ cháy rừng ngày 27/6/2016 tại xã Mỹ Thành (Yên Thành), trong lúc các lực lượng kiểm lâm, bộ đội và người dân sở tại đang tích cực dập lửa rừng thì lực lượng dân quân tự vệ các xã lân cận được điều động đến để tiếp ứng khá hùng hậu, “quân phục” khá chỉnh tề, nhưng lại chữa cháy rừng bằng… tay không; hoặc một số lực lượng dân quân tự vệ tăng cường của các xã đến nhưng không có sự phối hợp, mạnh ai nấy làm, dẫn đến người thì nhiều nhưng lại không hiệu quả.

Qua trao đổi về tình hình công tác PCCCR, ông Lê Phùng Thiều - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Thanh Chương cho biết: Lực lượng chữa cháy tại chỗ của các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương ít được huấn luyện về công tác PCCCR, nhất là đối với người dân. Nhiều vụ cháy rừng chính quyền địa phương đã huy động hàng nghìn người tham gia, nhưng việc dập tắt đám cháy vẫn còn rất lúng túng, vì họ không được trang bị về kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy rừng và cũng không biết cách xử lý đối với từng tình huống cụ thể. 

Bên cạnh đó, ở huyện Thanh Chương hiện nhiều xã thiếu trang thiết bị chữa cháy rừng. Ông Trần Đức Minh ở xã Thanh Ngọc cho hay: Người dân chúng tôi khi đi dập lửa phải tự trang bị dụng cụ. Ông Nguyễn Công Nông - Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc cho biết thêm: Xã có gần 100 ha rừng thông, nhưng máy thổi chữa cháy vẫn chưa có. 

Được biết địa bàn Thanh Chương có diện tích rừng tự nhiên hơn 64.000 ha, trong đó có khoảng 5.000 ha rừng thông dễ cháy. Tuy nhiên, trang thiết bị chữa cháy rừng hàng năm được bổ sung rất ít. Như tại Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương hiện chỉ có một máy thổi lửa để phục vụ cho cả huyện. Trong kho của hạt chỉ có vài chục đôi dày, dao rựa, vỉ dập lửa.

Nâng chất lượng, trách nhiệm đồng bộ

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn trong cả nước nhưng thực trạng cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCCR còn rất yếu. Hệ thống đường băng trắng ở các cánh rừng thông đặc dụng không được duy tu đã dần mất khả năng chia tách đám cháy do thực bì và thông non phát triển. Hệ thống bể chứa nước, vòi bơm, máy bơm nước chữa cháy rừng ở một số nơi xuống cấp, hư hỏng. Máy móc thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác PCCCR còn thiếu thốn và thô sơ, chủ yếu là vỉ dập lửa, dao phát, đèn pin. 

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra máy thổi lửa tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Để công tác PCCCR hiệu quả hơn trong thời gian tới, một vấn đề quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người dân vùng có rừng, về tầm quan trọng của rừng đối với môi sinh và phát triển kinh tế hộ. Đây là một giải pháp quan trọng và không thấy ngay kết quả, nhưng phải làm thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với các giải pháp xử lý hành chính, hình sự về vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

 Bên cạnh các biển, biểu cấm lửa, tuyên truyền về rừng, thì ngành chức năng cần đa dạng hóa các giải pháp tuyên truyền và đầu tư cho công tác tuyên truyền PCCCR. Thành lập các lực lượng chủ chốt về bảo vệ rừng ở từng xóm, từng xã, kịp thời xử lý, hoặc báo ngay cho chính quyền, ngành Kiểm lâm về các hành vi ảnh hưởng đến rừng. Các biện pháp như: tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCCR, nghiệp vụ quản lý cháy rừng cho lực lượng chuyên ngành, cán bộ quản lý và chuyên trách lâm nghiệp, lực lượng hợp đồng PCCCR, các chủ rừng... phải được làm thực chất, hiệu quả, gắn với trách nhiệm về quyền lợi và nghĩa vụ. 

 Đặc biệt là việc nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng của kiểm lâm và các lực lượng tham gia bảo vệ rừng tại cơ sở để có đủ khả năng kiểm soát, giảm nguy cơ, chữa cháy kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra; đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách về phòng cháy, chữa cháy rừng và lực lượng chữa cháy để trở thành lực lượng chuyên nghiệp sẵn sàng cơ động, nhanh chóng dập tắt lửa rừng, không để xảy ra cháy lớn, lan rộng.

Các địa phương và các chủ rừng (chủ yếu các loại rừng trồng, rừng thông) cũng cần đầu tư kinh phí để thực hiện phát dọn, xử lý thực bì, tổ chức tập huấn kỹ thuật chữa cháy rừng cho các lực lượng dân quân, tự vệ, đội cơ động cấp xã, đây là lực lượng chủ chốt để họ chủ động, linh hoạt “tác chiến” khi sự cố cháy rừng xảy ra. 

Hải An

TIN LIÊN QUAN