(Baonghean) - Khi những nụ hoa gạo đã chớm màu đỏ cam, khi những buổi sáng sớm, sương mù giăng giăng bao phủ cả bến sông vắng lặng thì đâu đây người ta đã sắm sửa loại lưới chuyên dụng đến đón một mùa “lộc sông nước” của năm. Được sinh ra từ sông, suối đầu nguồn, di cư xuống mạn cửa biển sinh sống, đến mùa sinh sản lại ngược dòng về với suối nguồn, đó là cách nói ngắn gọn nhất về vòng tuần hoàn của cá mòi.

Tầm tháng Giêng hàng năm, cá mòi sông Lam lại bắt đầu dặm dài thiên lý của mình. Từ cửa sông Bãi Ngang, cá mòi tiến về Bến Thủy rồi lên Hưng Nguyên, Nam Đàn, khi đến mạn Thanh Chương, cá sinh nở những lứa mới. Càng về gần vùng sông, suối, thịt cá càng thơm và béo. Vậy nên, ngư dân quanh những vùng này thường đón đầu mùa cá mòi từ sớm để mong hưởng chút lộc từ chính vùng quê của mình, những mong kiếm thêm chút đỉnh lo cho con cái ăn học.
 
images1544884_1.jpgThả lưới trên sông. Ảnh: Quốc Đàn
 
Mùa cá mòi, cứ tầm đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, khắp các bến sông vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn luôn tấp nập bởi việc bán, mua. Ngày xưa, các mẹ, các chị trong vùng cứ mang rổ, rá đứng chờ những con thuyền nhỏ về để mua cá mòi, ngày nay thì các lái buôn đến đặt hàng từ trước, họ chỉ việc chờ thuyền về, cân cá rồi trả tiền.
 
Cá mòi không quá đắt, cũng không quá hiếm, nhưng mùa cá mòi ngắn lắm, chỉ độ hơn một tháng. Khi dăm bông hoa gạo chớm đỏ, cá mòi bắt đầu di cư về sông, suối và khi hoa gạo bung nở chưa kịp rụng đỏ lối đi thì những con cá mòi mệt mỏi, gầy còm sau cơn vượt cạn cùng lũ con đàn đàn lũ lũ trở về với cửa sông, kết thúc một dặm dài nhiều cam go, thử thách.
 
Cá mòi còn gắn với một huyền tích kỳ lạ, rằng cứ mỗi độ thu về, chim ngói bay ra biển và hóa thành cá mòi để rồi mùa xuân, cá mòi lại ngược dòng lên rừng hóa thành chim ngói. Huyền tích này khiến cá mòi trở nên độc đáo và ấn tượng với những lữ khách có dịp đặt chân đến vùng bến sông từ Bãi Ngang, Bến Thủy ngược lên Hưng Nguyên, Nam Đàn hay Thanh Chương của xứ Nghệ.
 
Cá mòi tuy nhiều xương dăm nhưng thịt lại cực kỳ ngon và béo nên khi chế biến nó, người nội trợ  không cần phải nhiều gia vị cầu kỳ mà vẫn vô cùng thơm ngon, quyến rũ. Cá mòi rán giòn chấm nước mắm tỏi, ớt, đập thêm nhánh gừng trở thành món nhậu bình dân “nhớ tận tra” (nhớ đến già). Hay cá mòi kho nghệ trước khi tắt bếp thái vào ít cọng rau răm lại là món ăn đưa cơm trong những ngày dìu dịu của thời khắc xuân chớm hè này.
 
Đơn giản hơn là cá mòi luộc với một ít me chua hoặc trái chay phơi khô rồi chấm với muối ớt cũng là một món ăn “ngon bất diệt”... Những món ăn được chế biến từ cá mòi tuy đơn giản, nhưng ghi một dấu ấn khó phai cho những ai đã từng được thưởng thức. Những người con vùng bến sông cũng không thể nào quên được hương vị cá mòi đậm đà béo ngậy mà vấn vương cả vị quê, tình quê mỗi khi đi xa.
 
Một buổi trưa nào đó, con nắng hững hờ đậu ngọn tre, gió hiu hiu đưa hương bưởi đầu mùa vào tận cửa sổ, mẹ bê nồi cá mòi kho nghệ từ gian bếp đơn sơ lên gian nhà ngang, nồi canh tập tàng và bát cà pháo muối đã chờ sẵn ở mâm, mẹ xới những bát cơm thơm mùi gạo mới... và những đứa con má đỏ hây hây cứ xuýt xoa về vị béo béo cay cay của đĩa cá mòi, bát đũa cứ vậy gõ lách cách không ngưng nghỉ...
 
Hỏi làm sao có thể quên được những bữa cơm như vậy? Làm sao có thể quên được ánh mắt mẹ ấm áp hạnh phúc nhìn đàn con ăn ngon? Làm sao có thể quên được hương vị cá mòi - thứ hương vị của miền quê nghèo mà yên bình ấm áp?
Phương Ngọc