Trong danh sách vùng núi đẹp nhất của Insider còn có dãy núi Cầu Vồng ở Peru, dãy Andes ở Bolivia hay đỉnh Phú Sĩ của Nhật Bản.
Mù Cang Chải, Yên Bái, Việt Nam
Nằm ở miền bắc, Mù Cang Chải là một vùng núi trùng điệp với rất nhiều ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Tùy từng thời điểm trong năm, những ruộng bậc thang trồng lúa có màu khác nhau. Mù Cang Chải nằm cạnh dãy Hoàng Liên Sơn, được người dân tộc Mông cải tạo sườn núi thành ruộng bậc thang từ hàng trăm năm trước và ngày nay vẫn dùng để trồng trọt. Ảnh: iStock.
Vinicunca, Cusco, Peru
Còn được mệnh danh là dãy núi Cầu Vồng, Vinicunca có nghĩa là núi 7 màu theo tiếng địa phương ở vùng Cusco, Peru. Màu sắc của vùng núi này có được là do những loại quặng khoáng sản, nhưng trước đây con người không thể dễ dàng nhìn thấy bởi nó bị ẩn dưới một lớp băng rất dày. Ảnh: Shutterstock.
Kirkjufell, Grundarfjörður, Iceland
Là vùng núi được yêu thích nhất ở Iceland của các nhiếp ảnh gia, Kirkjufell nằm ở bán đảo Snæfellsnes. Đỉnh núi trông như nổi lên từ đại dương, các dòng thác chảy phía trước núi làm tăng thêm vẻ đẹp tráng lệ của ngọn núi. Kirkjufell từng được chọn làm bối cảnh phần 6, 7 của Game of Thrones (Trò chơi vương quyền). Ảnh: Shutterstock.
Three Sisters, New South Wales, Australia
Ngọn núi "Ba chị em" - Three Sisters thuộc dãy núi Blue ở bang New South Wales thu hút rất nhiều du khách hàng năm tới chụp ảnh. Đây là khu vực có nhiều rừng khuynh diệp, vách núi hiểm trở và các thác nước lớn. Ảnh: Shutterstock.
Dolomites, Italy
Vùng núi Dolomites có 18 đỉnh tất cả, là một phần của dãy Alps thuộc Italy, có nhiều chỗ cao tới hơn 3.000 m. Dãy núi này nổi tiếng là có nhiều "bức tường" đá vôi cao nhất thế giới. Hồ Braies (hình) thường được gọi là viên ngọc ở Dolomites. Vào mùa hè, nước hồ có màu xanh ngọc như một tấm gương phản chiếu cảnh vật xung quanh. Braies cũng là hồ tự nhiên rộng và sâu nhất thuộc vùng Dolomites. Ảnh: Shutterstock.
Andes, Bolivia
Trải dài hơn 7.400 km, Andes là dãy núi dài nhất thế giới. Nằm ở cao nguyên của Bolivia, ngay sau dãy Andes hùng vĩ là hồ Laguna Colorada thường được gọi như vũng đỏ. Vùng nước nông và mặn nơi đây thu hút những con chim hồng hạc Andean về sinh sống, đây là loài hồng hạc hiếm nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock.
Rainier, Washington, Mỹ
Vùng Rainier không chỉ có một ngọn núi lửa mà còn trải rộng và tạo ra 6 dòng sông khác. Đỉnh Rainier thường xuyên đóng băng, những du khách định leo núi ở đây phải chuẩn bị thật kỹ trước khi đi. Dù vào tháng 7, ở Rainier vẫn có tuyết rơi ở độ cao 1.500 - 2.400 m. Ảnh: Shutterstock.
Trương Dịch Đan Hà, Cam Túc, Trung Quốc
Đan Hà được gọi là một vùng đất có địa chất địa mạo đặc biệt của miền tây bắc Trung Quốc. Những dãy núi nhiều màu được tạo nên từ các lớp khoáng chất và đá bị phá vỡ, trong quá trình một hòn đảo (Ấn Độ hiện nay) va chạm với phần còn lại của lục địa Á - Âu. Ảnh: Shutterstock.
Fitz Roy, Patagonia
Vùng núi này nằm ở biên giới Argentina và Chile, miền nam sông băng Patagonia, thuộc lục địa Nam Mỹ. Trong khi nhiều người biết tới nơi này với tên Fitz Roy, tên gọi đầu tiên lại là Chalten, có nghĩa "núi khói" trong tiếng địa phương. Fitz Roy được đặt theo tên của Sir Robert FitzRoy, một thủy thủ giúp Charles Darwin đến được Nam Mỹ. Ảnh: Shutterstock.
Phú Sĩ, Nhật Bản
Đỉnh Phú Sĩ là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, bởi vậy ngọn núi xuất hiện nhiều trong hội họa, nhiếp ảnh và văn chương nước này. Theo tài liệu ghi chép lại, đây là ngọn núi lửa còn hoạt động từ thế kỷ thứ 8, lần gần nhất nó phun trào là đầu những năm 1700. Vào ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy đỉnh núi cao hơn 3.700 m này. Ảnh: Shutterstock.
Theo VNE