Nước mắt đàn ông
14h thứ Ba 18/12 (giờ London), thay vì điều hành buổi tập tại đại bản doanh Carrington của Man Utd, Jose Mourinho ngồi uống một tách trà ở sảnh khách sạn Lowry. "Ông vừa nhận thông báo sa thải, và đang làm thủ tục để check-out", tờ The Times mô tả. Mourinho nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ, sau lưng là một cây đại vĩ cầm, nhưng không có ai đánh bài tiễn biệt, trong ngày HLV lừng danh này rời khỏi nơi trú ngụ suốt hai năm rưỡi qua.
Không ai biết Mourinho nghĩ gì trong giây phút ấy. Nhưng bị sa thải là một kết cục được báo trước, cho mối lương duyên vốn đã không ổn ngay những ngày đầu.
Hãy cùng quay ngược thời gian trở về 5 năm trước, thời điểm Alex Ferguson nghỉ hưu và Man Utd phải tìm người kế nhiệm. Chính xác là ngày 8/3/2013, công ty môi giới và quản lý cầu thủ lớn nhất thế giới Gestifute truyền tai nhau một thông tin tuyệt mật: Mourinho đã khóc nức nở như một đứa trẻ qua điện thoại. Người đàn ông vốn được xem là quyền lực thứ nhì trong công ty, chỉ sau ông trùm Jorge Mendes, gần như suy sụp.
Thông tin Alex Ferguson chọn David Moyes làm người kế nhiệm đã tạo ra một cơn địa chấn trong lòng Mourinho. Gestifute có tai mắt khắp nơi, họ biết trước những thứ mà truyền thông chưa biết, huống chi Jorge Mendes còn mối quan hệ mật thiết với Old Trafford. Kể từ khi tuyệt giao với Mino Raiola, Ferguson làm việc với Mendes nhiều nhất trong giới đại diện cầu thủ.
Suốt nhiều tháng liền, Mendes cố hết sức làm điều mà Mourinho nhắn gửi: tiến cử "Người Đặc Biệt" cho Ferguson. Mourinho tin rằng chiếc ghế huấn luyện ở Old Trafford chắc chắn là của ông. Gây sự với gần như mọi đối thủ ở Ngoại hạng Anh, nhưng Mourinho luôn chừa Ferguson. Khi Real Madrid của Mourinho loại Man Utd khỏi Champions League năm 2013, Mourinho lần đầu tiên khiêm tốn trong đời khi tuyên bố: "Hôm nay, đội hay hơn đã bị loại".
Nhưng cuối cùng, Ferguson chọn David Moyes - HLV chưa có một danh hiệu nào trong sự nghiệp, nhưng là đồng hương Scotland. Hai đêm 7 và 8/3/2013, Mourinho không cách nào ngủ nổi, liên tục cầm điện thoại để chờ tin mới nhất. Để rồi khi biết Moyes được chọn, ông đã khóc như một đứa trẻ.
Những tín hiệu đã phát đi từ trước, nhưng Mourinho đều phớt lờ. Huyền thoại Bobby Charlton, khi được hỏi về việc Mourinho có phải ứng viên không, đã trả lời: "Một HLV của Man Utd không bao giờ được phép làm những việc như ông ấy (móc mắt Tito Vilanova và chế nhạo vị này trong họp báo). Mourinho là HLV giỏi, nhưng chừng ấy chưa đủ để thay Ferguson". Khi được hỏi thêm về quan hệ ngỡ như rất tốt giữa Mourinho và Ferguson, Charlton nói: "Theo tôi biết, Ferguson thực ra không thích Mourinho mấy đâu".
Sau này, người ta cũng biết David Moyes không phải lựa chọn số một của Ferguson và ban lãnh đạo. Vị trí số một thuộc về Guardiola, nhưng Man Utd không thuyết phục nổi người lúc ấy đã ấm chỗ tại Bayern Munich. Điều đó cũng có nghĩa, là khi vuột mất mục tiêu số một, Man Utd thà chọn Moyes chứ không chọn Mourinho.
Sau đó, khi Mourinho đến Chelsea và tự nhận là "Người Hạnh Phúc", những người gần Mourinho nhất đều hiểu ông đang dối lòng. Việc Ferguson chọn Moyes mãi mãi để lại vết sẹo nơi trái tim Mourinho, lớn không kém như khi Barca chọn một Guardiola vô danh trong làng cầm quân, còn hơn bổ nhiệm Mourinho, khi ấy đang là HLV được săn đón bậc nhất thế giới. Niềm kiêu hãnh của Mourinho hai lần bị giáng những đòn choáng váng. Những giọt nước mắt ấy, những đắng cay ấy, công chúng gần như không biết.
Một gương mặt khác
Vì sao Barca và Man Utd không chọn Mourinho ngay từ đầu, có lẽ mọi người hiểu quá rõ. Bên cạnh tính cách gây tranh cãi, Mourinho còn thực dụng đến mức cuồng tín. Ông có nhiều năm hít thở bầu không khí bóng đá tấn công tại Barca, nhưng lại không ngấm triết lý của Johan Cruyff. Đấy là vì một giai thoại được kể đi kể lại không biết bao lần về cậu bé Mourinho, khi nhận tin cha bị sa thải vào đúng đêm Giáng sinh.
Chuyện kể rằng ngày ấy Mourinho mới 10 tuổi, cha ông buồn đến nuốt cơm không nổi vì bị CLB địa phương sa thải. Sinh kế lẫn danh dự bị mất vào đúng đêm mà mọi gia đình lẽ ra đều vui vẻ, ký ức kinh hoàng ấy khiến Mourinho sợ thất bại. Ông đọc nhiều sách, từ Binh pháp Tôn Tử của Á Đông đến "Quân Vương" của Machiavelli bên Tây phương. Mourinho dần trở thành một kẻ gian hùng trong bóng đá, với triết lý bất hủ là muốn thắng trước hết phải không thua. Tư duy của Mourinho không phải xây đắp mà là phản biện, ông luôn tìm cách triệt tiêu sức mạnh của đối phương, thay vì phát huy sức mạnh nội tại của bản thân.
Thà ta phụ người, chứ không để người phụ ta. Mourinho cố gò mình trở thành một kẻ đứng trên tất cả. Ông sa vào những trò chơi chính trị, tranh đoạt vị thế. Trước truyền thông, ông trưng ra một bộ mặt bất cần. Ngày còn ở Madrid, Mourinho thường để mặc cầu thủ tập luyện, còn ông thì cởi trần phơi nắng để da sạm đi cho... đẹp và đàn ông. Mourinho để bạn thân Jorge Mendes tự do di chuyển trong Valdebedas như đi chợ.
Khi Mourinho đến dự tưởng niệm 60 năm thảm họa Munich cùng Man Utd gần đây, ông mang một đôi giày đen, nhưng có viền trắng nổi bật, lại mặc thêm một áo thun có cổ bên trong đồng phục CLB. Các thành viên trong ban lãnh đạo Man Utd chịu một phen hết hồn. Nhưng Mourinho luôn làm những điều ông muốn. Khi Mourinho muốn con trai Jose Mario Mourinho Jr ngồi cạnh trong trận đấu với Swansea hồi tháng Tư, ông cứ thế vô tư để cậu bé ngồi lên băng ghế huấn luyện.
Nhưng dù kiêu ngạo hay đồng bóng, Mourinho trước giờ vẫn được kính phục bởi thành tích. Bây giờ, sức mạnh lớn nhất khiến ông ngạo đời cũng không còn. Mourinho có khởi đầu mùa giải tệ hơn cả David Moyes. Hiệu số bàn thắng bại của ông sau 17 vòng Ngoại hạng Anh chỉ là một con số không. Trùm phòng ngự năm nào giờ chứng kiến đội nhà lọt lưới nhiều hơn cả đội đứng áp chót Huddersfield.
Những lần trước Mourinho bị sa thải, các học trò ít nhiều đều ngỏ lời tiễn biệt. Lần này, mọi người gần như im lặng. Thậm chí Paul Pogba còn mừng ra mặt, với bức ảnh cười bí hiểm trên mạng xã hội. Có vẻ tất cả đều thấy nhẹ nhõm, khi bầu không khí trong phòng thay đồ trở nên nhẹ nhàng hơn. Người thầy từng sống chết bảo vệ học trò năm nào giờ mang quân thí cho truyền thông mặc sức "nướng". Mourinho cũng bắt đầu có dấu hiệu... già cả, khi mải miết nhắc về những di sản đã qua của bản thân.
Trong bộ phim kinh điển Dark Knight (Hiệp sỹ Bóng đêm), Harvey Dent có câu nói kinh điển: "Hoặc ta chết như một anh hùng, hoặc ta sống đủ lâu để trở thành nhân vật phản diện".
Mourinho có lẽ đã... sống quá lâu và chứng kiến bản thân trượt dài trên con đường trở thành kẻ phản diện của bóng đá. Ngày ông bị Chelsea sa thải lần đầu cách đây đã 11 năm. Những đối thủ năm nào từng cùng ông làm nên các cuộc chiến kinh tâm động phách, giờ người nghỉ hưu (Alex Ferguson), người chua xót rời nhiệm sở (Arsene Wenger), người thậm chí hết thời và xuống cầm những đội bóng nhỏ (Rafa Benitez). Xung quanh Mourinho, những trợ lý đắc lực, những huynh đệ cũng chẳng còn. Andre Villas-Boas ra làm riêng, có chút thành tựu, và cũng hưởng trái đắng thất bại, hiện bỏ nghề chuyển sang đua xe. Rui Faria, cánh tay phải theo ông hơn 10 năm, giờ tự đứng ra gây dựng sự nghiệp riêng. Mourinho dần trở nên lạc lõng.
Trong khi ngọn gió đổi thay không ngừng thổi, Mourinho cố bám trụ, với một tư duy cũ kỹ. Khi người phát ngôn của Ngoại hạng Anh đã là những HLV trẻ, với thứ bóng đá pressing thời thượng, Mourinho đứng yên trước thời cuộc. Để rồi một ngày, Mourinho nhận ra bản thân trở thành những người mà ông từng chỉ trích: loay hoay như một thợ hàn (Ranieri) và thua nhiều đến mức trở thành chuyên gia thất bại (Wenger).
Nỗi buồn Giáng sinh của cậu bé 10 tuổi năm nào đã hun đúc ước mơ phải thành công, phải lập danh và tự làm chủ vận mệnh. Để rồi Giáng sinh 2015, Mourinho bị Chelsea sa thải lần thứ hai. Ngay trước Giáng sinh năm nay, ông lại bị Man Utd sa thải. Bi kịch và kinh điển như thần thoại Hy Lạp. Lần ra đi này, người ta không biết bao giờ ông mới trở lại. Chiến đấu với cả thế giới, Mourinho từng làm được. Nhưng ông sẽ chiến đấu như nào, với số phận và quy luật đào thải tất yếu của cuộc sống?