(Baonghean.vn) - Khi tôi sinh ra thì thành phố này đã mới lên, hiện đại lên nhiều lắm. Những ký ức về một khu tập thể do người Đức xây dựng - một trong những công trình “tầm vóc” đầu tiên của thành phố sau ngày đất nước giải phóng - chỉ còn sót lại nơi một vài lớp người cũ. Một ngày nọ, khi những cư dân thành phố - già và trẻ, cũ và mới - cùng nhìn vào công trình mang dáng dấp của một “phế tích” cổ xưa này và thầm nghĩ: Có lẽ đã đến lúc nói lời tạm biệt.
Với vốn liếng ký ức non trẻ của mình, tôi góp nhặt lại những hình ảnh rất có thể là cuối cùng của khu tập thể Quang Trung. Bằng góc máy của một người có cảm tình với nơi này, tôi hy vọng ghi lại được không chỉ hình hài, màu sắc. Tham vọng của tôi lớn hơn thế: tôi muốn lưu giữ lại một làn hơi thở, một mảnh linh hồn của địa danh gắn liền với nhiều thế hệ cư dân thành phố. Không dám nói rằng những gì tôi thấy là tất cả, chỉ xin mạo muội đặt tên cho câu chuyện của tôi là: Một tí khu Quang Trung.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi chiều - thời tiết không hề lý tưởng như các bạn nghĩ. Thực ra thì tôi đã phải chờ khá lâu để trời vãn mây và gom được một chút nắng như thế này. Nhưng thôi, sự chờ đợi cỏn con của tôi có là gì khi đặt cạnh những toà nhà đã có xấp xỉ 40 năm tuổi này. Tiện thể nếu bạn chưa định hình được thì đây là sân bóng chuyền nằm giữa 2 nhà B5 và B6. Chỉnh lại góc máy cho gần hơn một chút. Đây là góc nhìn chếch xuống một phần sân bóng - sân chơi lý tưởng của lũ trẻ trong khu tập thể mỗi buổi chiều. Tôi thì đặc biệt thích cây khế và chiếc ghế bê tông, nhìn giống một cảnh phim cũ kỹ. Bây giờ thì tôi sẽ chếch máy lên cao hơn chút nữa. Ở đây ai cũng cơi nới nhà ra cho rộng cả, nhà thì làm bằng gỗ, nhà thì làm bằng tôn. Chỗ lồi ra, chỗ thụt vào tạo thành một khối “kiến trúc” trừu tượng. Thôi đùa đấy, nhưng mà tôi thật sự rất thích màu gỗ của ngôi nhà này. Đây mới thật sự là một hình bóng của quá khứ này. Rất hiếm khi gặp được những chiếc xe máy dòng cũ mà vẫn có vẻ ngoài “nuột” như thế này trong thành phố. Nó gợi nhắc những người đang sống về một thời kỳ hoàng kim xưa cũ. Chuồng chim bồ câu của một anh làm nghề đóng ghế sofa ở khu nhà A6. Thấy tôi, anh hỏi có muốn chụp không để anh gọi bồ câu xuống. Còn đây là một cư dân của nhà B3. Bác này quê ở Nam Đàn, năm nay 67 tuổi. Bác tâm sự rằng hồi trẻ đi thanh niên xung phong ở Diễn Châu, sau về học nghề mộc 6 tháng rồi làm mãi đến bây giờ. Bác khoe hồi mới học mua được cái cưa về cưa cả ngày. Còn bây giờ thì làm túc tắc cho vui thôi, tiền bạc không đáng là bao nhiêu. Nồi nước hầm xương của hàng bún và cháo trẻ Vân Đàn ở dưới chân khu tập thể. Hàng này bán cả sáng và chiều, chủ yếu phục vụ phụ huynh và học sinh một trường tiểu học gần đấy. Nghe nhiều người bảo hàng này bán lâu năm rồi mà vẫn cực kỳ chất lượng. Ở xung quanh khu này thực ra có không ít hàng quán phục vụ từ đồ ăn no đến đồ ăn chơi. Những đứa trẻ sống trong khu tập thể này chính là khách hàng quen thuộc mỗi buổi chiều tan học về nhà. 3 đứa trẻ này vừa đi vừa ăn xiên cá viên khiến cả hành lang thơm nức mũi. Bắt gặp những đứa trẻ trong khu tập thể lâu đời khiến tôi có cảm tưởng vừa bắt gặp một cảnh quay trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Còn ở đây chúng ta có hoa xương rồng vàng trên nền lá xanh. Lần đầu tiên tôi thấy một cây xương rồng lớn như thế này nở hoa. Nó nằm ở tầng 4 khu nhà B1. Một chú chó trắng ngồi ngắm hoàng hôn qua khoảng trống ở lưng chừng cầu thang. Tôi biết cảnh tượng này khá lạ lẫm, nếu không muốn nói là “lạc tông” bởi thời xưa ở nhà tập thể Quang Trung không ai nuôi chó cảnh. Đôi khi những gì ta cho là quen thuộc cũng có thể hoá lạ lẫm nếu bị đặt vào vùng lãng quên. Ngược lại, cái mới mẻ cũng có thể gợi nhắc về những điều xưa cũ thân thương. Những khu nhà cổ mà bạn vẫn thường cho là xấu xí này cũng có thể hiện lên tuyệt đẹp nếu một ngày bạn kiên nhẫn chờ đợi và may mắn bắt gặp những khoảnh khắc, những con người. Tôi đã ghi lại những hình ảnh này như món quà dành cho những ai chẳng may không còn cơ hội tự mình đến và nhìn ngắm. Còn bạn, nếu câu chuyện của tôi níu chân bạn được đến tận lúc này, tại sao không tự đến thăm khu Quang Trung và nói lời chào tạm biệt? Thục Anh ghi lại theo lời kể của Hazone
Ảnh: Hazone