(Baonghean) - Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, đất nước tiếp tục vượt qua những chặng đường khó khăn để phát triển vững bền. Bài học đoàn kết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được phát huy, tạo nên sức mạnh của dân tộc... Những ngày này, ký ức về “thời hoa lửa” như tiếp thêm khí thế cho các thế hệ người Việt bước lên phía trước, trong đó, luôn có sự đồng hành tích cực của quân và dân Nghệ An. 

Vượt biển vào Nam

Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) một chiều tháng 4 năm 2015. Nhắc lại chuyến tàu không số vượt biển vào Nam năm ấy, gương mặt ông Ngô Trí Bản đăm chiêu. Một thời tuổi trẻ hào hùng vượt qua bao gian khó, hy sinh cứ đọng mãi trong lòng người cựu chiến binh hải quân ấy. 

Lực lượng Công an Nghệ An hướng dẫn ô tô chở hàng hóa và vũ khí vào chiến trường miền Nam qua cầu Cấm - Nghi Lộc (năm 1965). Ảnh: S.t

Năm 1969, chàng trai vùng biển Ngô Trí Bản được tuyển vào lực lượng hải quân. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều về tàu sắt mang tên Nhật Lệ có số hiệu 69B thuộc Đoàn tàu không số chuyên vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam bằng Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Chàng trai vùng biển hăm hở nhận vị trí máy trưởng kiêm xạ thủ số 2 của khẩu 12ly7.

Một ngày đầu tháng 11 năm 1970, sau khi được đơn vị tổ chức lễ "truy điệu sống", Bản cùng 22 thủy thủ từ Vịnh Hạ Long, chở 200 tấn vũ khí, khí tài vượt biển hỗ trợ miền Nam diệt Mỹ. Lúc giả dạng thuyền đánh cá, khi là tàu buôn cùng với lá cờ các quốc gia trong vùng, con tàu luồn lách trên biển để che mắt địch. Tàu không số lênh đênh trên biển ròng rã gần 4 tháng để tránh sự nhòm ngó của địch. Cho đến một đêm tháng 4 năm 1971, sau khi đến vị trí yêu cầu, con tàu hướng về Mũi Cà Mau.

Ông Ngô Trí Bản (phải) (quê Diễn Ngọc, Diễn Châu) nhớ lại các đồng đội hy sinh trên Tàu Không số trong trận đánh trả tàu và máy bay địch ở vùng biển Cà Mau (4/1971).

Khi cách đất Mũi chừng 20 hải lý, bất ngờ gặp tàu chiến địch. Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Phan Xạ, anh em nổ súng quyết liệt đánh trả địch và bị thương vong gần một nửa. Không có sự lựa chọn nào khác, thuyền trưởng sau khi bắn pháo hiệu hướng về đất liền báo tin, đồng thời lệnh các chiến sỹ còn lại đưa thương binh, tử sỹ rời tàu và kích hỏa các khối bộc phá cài sẵn trong khoang tàu. Ngô Trí Bản là người cuối cùng rời tàu. Khi bơi được khoảng hơn 50 mét cả người anh như bị dồi lên cao bởi tàu chở 200 tấn vũ khí và hàng hóa phát một tiếng nổ dữ dội và chìm xuống biển... Vượt qua sóng biển, Bản cùng 15 anh em khác lần lượt được du kích địa phương tìm gặp và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam.

Ông Nguyễn Đình Sin, Trưởng ban liên lạc CCB Đoàn Tàu không số Nghệ Tĩnh (hiện đang sinh sống tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh) cho biết, theo số liệu của Bộ Tư lệnh Hải quân, từ năm 1961 đến năm 1975, “đường Hồ Chí Minh trên biển” đã có 1.789 chuyến tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí, trang thiết bị các loại và 80 ngàn lượt cán bộ. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 đã chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong chiến công chói lọi đó có sự đóng góp xứng đáng của 54 người con quê hương Nghệ An.

Bài ca mở đường 

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hàng vạn nam nữ TNXP không quản nắng mưa, bom đạn san lấp hố bom, mở đường vào Nam. Với nữ Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Thu Hiền, những ký ức về một "thời hoa lửa" vẫn còn vẹn nguyên. 

Trong căn nhà yên tĩnh ở phường Lê Mao (TP. Vinh), chị Hiền kể cho chúng tôi về thời kỳ hào hùng của tuổi xuân. Vào năm 1969, 22 tuổi, đang là Bí thư Đoàn xã (Hưng Phú, Hưng Nguyên), chị tình nguyện vào lực lượng TNXP và được cử làm đại đội trưởng. Đơn vị của chị được điều vào phục vụ mặt trận Trị - Thiên, đường 9 Nam Lào đầy ác liệt. Bàn tay chị cùng đồng đội đã chai sạn vì gùi hàng, tải thương, san lấp hố bom, mở đường. Bom đạn, đói ăn, thiếu ngủ và những cơn sốt rét quái ác cũng không làm nao lòng những chàng trai, cô gái xứ Nghệ lứa tuổi 20. 

...Một lần, đại đội phát hiện 3 quả bom từ trường nằm giữa tim đường. Hiền tính nếu dùng mìn phá thì an toàn nhưng đường sẽ bị ảnh hưởng lớn, còn nếu dùng sức đẩy được bom xuống vực sâu thì chắc chắn đường hư hại ít hơn. Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền đưa ra một quyết định táo bạo. Lấy tinh thần xung phong lập tổ cảm tử do mình trực tiếp chỉ huy dùng đòn tre bẩy bom từ trường. Sau khi tổ chức lễ truy điệu, tổ cảm tử tiếp cận 3 quả bom, dùng tay bới đất và dùng sào tre đẩy bom. Từ xa, cả đại đội TNXP và anh em lái xe nín thở theo dõi rồi cùng đều lạnh người khi cả 3 quả bom phát ra một tiếng nổ dữ dội. Nhưng rồi vỡ òa khi thấy cả mấy chị em cảm tử đội đất chạy ra đường. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, năm 2009, chị Hồ Thị Thu Hiền được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân". 

Ông Mai Ất, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nghệ An, nguyên Chủ tịch UBND TP. Vinh cho biết: Cuối tháng 5/1965, tuần đầu tiên phát động phong trào "3 sẵn sàng" có gần 10.000 nam nữ thanh niên trên khắp các địa bàn trong tỉnh đủ mọi thành phần, tôn giáo tình nguyện ghi tên. Nhiều người viết đơn bằng máu. Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Nghệ An có 11.800 thanh niên tham gia lực lượng TNXP thì con số này trong thời kỳ chống Mỹ có gần 30.000 người. Lực lượng TNXP Nghệ An đã chung sức đảm bảo giao thông ở 52 tuyến đường với trên 2.300 km tỉnh lộ, quốc lộ, 200 km đường ở nước bạn Lào, 200 km ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, 3.500 km huyện lộ, 250 km đường sông, đường biển, kênh nhà Lê, 60 km đường sắt đi qua các trọng điểm... Tất cả góp sức lực, trí tuệ cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khí thế ra trận

Đầu năm 1975, cán bộ đồng bào miền Bắc nói chung, Nghệ An nói riêng sống trong một không khí tưng bừng khó tả. Chiến thắng từ các vùng, miền vang dội báo về. Nhưng vẫn cần rất nhiều sức người, sức của cho chiến trường. Cụ Đậu Ngôn (90 tuổi) trú ở xã Diễn Thành (Diễn Châu) vẫn còn nhớ buổi "Hội nghị Diên Hồng" do huyện tổ chức vào một ngày đầu năm 1975. Tại đây, nhiều người cao tuổi trong huyện thể hiện quyết tâm động viên con cháu tòng quân, tham gia dân công hỏa tuyến và xung phong đóng thóc, lợn, gà để nuôi quân. Đợt đó, huyện giao quân vượt 12% kế hoạch. 

Người dân vùng giáo xã Minh Thành (Yên Thành) còn nhớ hình ảnh cụ Trần Văn Tràng ở họ giáo Yên Thịnh vui vẻ tiễn anh con trai út vào bộ đội. Đây là lần thứ 6, cụ giao những người con trai cho quân đội, cho mặt trận chống Mỹ. Trong lúc đó tại xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) bà Đặng Thị Tiếp, giáo dân, là mẹ của liệt sỹ cũng đến địa điểm giao quân để động viên anh em tân binh. Đợt nhập ngũ tháng 3/1975, riêng thanh niên giáo dân nhập ngũ tăng gấp 4,1 lần so với cả năm 1974.

Ông Hà Văn Tải (trú ở xã Hưng Lộc, TP. Vinh), Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Vinh nhớ lại: Chỉ trong 1 ngày đầu năm 1975, TP. Vinh tiễn 1.023 thanh niên nhập ngũ, vượt 20% chỉ tiêu trên giao, bằng chỉ tiêu giao quân của cả 2 năm 1975, 1976. Đây là kết quả cao nhất kể từ năm 1959 - năm đầu tiên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Từ năm 1959 đến năm 1975, Nghệ An có trên 163.000 nam, nữ thanh niên vào bộ đội, gần 30.000 người tham gia TNXP cùng hàng vạn lượt người tham gia dân công hoản tuyến phục vụ các chiến trường. Đáng tự hào là dù ở vị trí nào, con em Nghệ An cũng nêu cao truyền thống quê hương, lập công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, để cho đất nước hòa nhịp bản trường ca đoàn kết khắp mọi miền Tổ quốc.

Việt Long