(Baonghean) - Vui nhất trong những ngày tết đến xuân về của các bản mường người Thái ở Quỳ Hợp là các trò chơi mang tính chất giao duyên của trai gái...
 
Tục mời bánh chưng 
 
Tục này thường diễn ra đêm mồng 3 tết (ngày xưa, người Thái ăn tết đúng 7 ngày), trên một ngôi nhà sàn cao, to và rộng ở giữa bản. Nhà đó phải có con gái đẹp, chưa có ai đến ở rể, và phải là gia đình hiếu khách. Thường thì trai gái đã hẹn nhau từ trước tết. Trai bản này thì đến “kèm Pành” với gái bản kia. Chập tối, trai bản khác mới đi vào bản, họ đến thẳng ngôi nhà đã định. Trên nhà, gái bản đã có mặt đầy đủ. Trai thì quần áo mới, khăn dài cuốn quanh cổ bằng vải tơ tằm (khắn pe). Gái mặc váy áo mới tinh, rực rỡ dưới những ánh đuốc làm bằng nhựa cây trám, thắt lưng bằng “xái hiệt boọc”, khăn piêu để dải xuống che một bên mắt để liếc ngang liếc dọc mà không ai nhìn thấy, chiêng trống vang lừng.
 
Khi trai bản khác đến dưới sàn, gái bản cử người xuống đón, chào hỏi nhau tíu tít, rồi cùng nắm tay nhau ào lên sàn, trong nhà, các cô gái khác đã bưng mâm ra. Trong mâm chỉ có bánh chưng, mật ong và mật mía, đổ đầy ba, bốn bát. Trai gái cùng xúm vào mâm bánh bóc vỏ bánh, cắn lạt chung hai đầu để cắt bánh chưng ra đĩa (bánh chưng của người Thái, bất kể loại nào cũng không có nhân ở bên trong). Khi bánh đã được cắt ra đầy đĩa, cuộc vui bắt đầu. Con gái trong bản hát trước, có thể là “nhuôn”, “xuối” hoặc “lăm”… ban đầu chỉ là những lời chào hỏi thông thường, như một sự “dò tìm” ý tứ và thử giọng của nhau. Cô gái hát đầu tiên không nhất thiết phải là người hát hay, hát giỏi, có giọng tốt, có tài ứng đối, nhưng phải thực sự có duyên để giữ vai trò là người dẫn dắt cuộc vui, tạo được không khí hứng khởi ngay từ phút đầu, và thổi bùng lên ngọn lửa duyên tình suốt đêm.
 
Bên gái hát xong, bên trai phải hát đáp lại, gọi là hát trả lời, hay là hát đối lại. Hát đối hay thì được vỗ tay, nếu hát đối dở thì được mời ngay một miếng bánh chưng chấm mật, do chính cô gái vừa hát gắp cho, bón tận miệng, không ăn cũng không được, động tác này đã làm cho nhiều chàng trai nhút nhát cứ né tránh, đỏ mặt đưa đẩy, còn cô gái thì cứ xấn vào cố tình trao mời bắt phải ăn, thành ra vô tình mà đụng chạm vào nhau… tiếng cười ran như pháo nổ. Ban đầu còn giữ ý, nhưng khi đã thực sự nhập cuộc thì cả bên trai cũng như bên gái đều muốn được trổ tài, không ai chịu thua để phải bị ăn một miếng bánh chưng chấm mật nào, có những bên thua cuộc phải ăn nhiều bánh chấm mật… đã cầm tay nhau đưa đẩy đến mức bánh và mật ray hết cả ra áo quần mới, khiến cả hội càng hò reo tán thưởng. Tiếng hát giao duyên đầy ắp cả một gian nhà sàn, vang xa làm náo nức cả bản. Cuộc chơi “kèm Pành” diễn ra mỗi lúc một rôm rả, say sưa suốt đêm cho tới lúc trời hửng sáng mới kết thúc.
images925472_chung_vui_ruou_can.jpgChung vui rượu cần. Ảnh: Cao duy thái
 
Trai gái người dính đầy mật và bánh chưng, nhất là ai mặc áo trắng, thậm chí còn in rõ cả năm ngón tay của cô gái nào đó!
 
Cũng từ cuộc vui “kèm Pành” này, có nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng.
 
Tục ném còn 
 
Ném còn trai gái chính thức chỉ diễn ra vào ngày mồng 3 tết trở đi. Cuộc ném còn mang tính chất giao duyên của trai gái Thái thường không hẹn trước. Con gái phải chủ động làm quả còn. Quả còn càng đẹp, càng có nhiều chàng trai để ý. Sáng ra, trai bản xa đến, gái bản và người nhà mời lên nhà ăn cơm trước, có bao nhiêu người cũng dọn mâm ra cho đủ chỗ ngồi để cùng ăn uống vui vẻ. Nếu sẵn thì bắc luôn một vò rượu cần sau bữa ăn để đãi khách. Ăn uống xong, trai gái mới rủ nhau xuống sàn để tổ chức ném còn giao duyên. Người Thái ở Quỳ Hợp không ném còn qua một cái vòng trên cây tre cao như các nơi khác, mà chia làm hai bên trai gái để ném còn.
 
Ban đầu, những quả còn bay lên bay xuống trên bầu trời xuân như vô tư giữa muôn tiếng reo vui náo nhiệt của cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhưng rồi dần dần, quả còn bay qua, bay lại, vút lên cao, xuống thấp… đã bắt đầu có mục đích. Cuộc thăm dò ban đầu đã loại dần bọn trẻ và những người có tuổi, có chồng con ra ngoài tầm tay bắt còn. Luật ném còn giao duyên là không được bắt trượt, nghĩa là khi anh đã thích cô gái nào thì phải chú ý, tinh mắt nhìn để tranh cướp, xô đẩy người khác để bắt bằng được quả còn của cô ta ném sang, và ngược lại, phía cô gái cũng vậy. Nếu bắt được thì người ném còn phải chịu mất một vật gì đó cho người vừa bắt được quả còn của mình vừa ném lên, nếu trong thâm tâm mình chưa ưng người ấy, kể cả bên trai và bên gái đều như vậy, vật đó có thể là chiếc vòng cổ, vòng tay, cái khăn, tấm áo… thậm chí cả quần dài nữa! Cuộc ném còn giao duyên bởi thế mà trở nên sôi động, náo nhiệt vô cùng, cuốn hút cả bản đến xem, cùng nhau hô hào, vỗ tay tán thưởng những anh chị “dính tay”, cười trêu những kẻ bắt trượt cứ chui lủi chạy trốn mà không chịu mất vật nào đó trên người của mình trao cho người bắt được còn… cuộc níu kéo đã tạo nên không khí vui tươi, náo nức trong những ngày tết… mãi cho tới khi trên bầu trời không có quả còn nào bay lên nữa, cuộc ném còn trong ngày mới chấm dứt!
 
Đêm xuống, trai gái đến với nhau sau cuộc ném còn, để mà trao lại cho nhau những quả còn đã bắt được, những “kỷ vật” đã lấy của nhau trong quá trình diễn ra cuộc ném còn, và cũng từ đây, tình yêu nảy nở, rất vô tư, chân thành và gắn bó bởi một kỷ niệm không ai có thể quên được. Ngày hôm sau, cuộc ném còn lại diễn ra ở các bản khác cho đến hết ngày mồng 7, ăn tết khai hạ mới thôi. 
 
Ta hiểu vì sao trong quá khứ, tình cảm vợ chồng của người Thái luôn luôn bền chặt, sâu đậm, dù trong cuộc sống ngày thường, họ có khổ sở, nghèo đói tới mức nào đi nữa, thì họ vẫn thuỷ chung rất mực! Khi quả còn đã trao về chủ, kỷ vật được giữ lại, thì lời thề là núi đá, không gì lay chuyển được! Cô gái đã được yêu, có thể yên tâm ra bờ suối chặt bông lau về để nhồi nệm, gối cưới, đợi ngày đội áo xuống sàn về làm dâu nhà người. Chàng trai không bao giờ phản bội lại người tình, cuộc ném còn những ngày tiếp theo đó, và cả năm sau… những đôi trai gái đã yêu nhau sẽ không bao giờ có mặt nữa… những quả còn của ngày hôm sau, tất cả đều là của con trai, con gái chưa ngỏ lời yêu nhau! Phải chăng, đó cũng là một nét đặc trưng của “văn hoá yêu” đã có tự ngày xưa của người Thái?
 
Tục uống rượu cần 
 
Đây là một cuộc uống rượu cần đặc biệt, chỉ con trai và con gái. Con gái trong bản và trai bản xung quanh rủ nhau góp gạo, sắn, men, trấu để làm chung nhau một chum rượu cần, có thể làm trước tết từ 3 đến 4 tháng. 
 
Gần tết, cử người đi các bản xa hơn để “có lời mời” bạn bè đến cùng góp vui. Tối ngày mồng 5 tết, trai gái các bản được mời bắt đầu kéo nhau vào bản. Họ đón tiếp nhau rất vui vẻ, rồi dọn cơm mời nhau cùng ăn. Ai cũng phải ngồi vào mâm, gắp lấy vài miếng, ăn một nắm xôi… mới được uống rượu cần. Ăn cơm xong, mới chia nhau đánh cồng chiêng, nhảy múa “xái coóng”(múa cồng chiêng) trên nhà, nhảy sạp dưới sàn làm vui… đến lúc bọn trẻ tản về nhà hết thì trên nhà mới bắc chum rượu cần ra. Tất cả trai gái đều được mời ngồi quanh chum rượu, có cắm đến 12 cần dài, hoành tráng dưới những ngọn nến trám rực sáng. Người làm “chàm” (tức là người đổ nước vào chum và duy trì luật uống trong cuộc) thường là người của bản chủ nhà; người chia cần, thi hành luật uống có thể là một chàng trai hoặc một cô gái tháo vát ở bản khác, nhưng biết được rất rõ các thành viên đang ngồi quanh chum rượu cần.
 
Người này phải có khả năng buộc tất cả các thành viên trong cuộc phải uống cho đúng luật của “chàm” rượu cần đã quy định và thống nhất. Ban đầu thì uống tập thể “thăm hỏi nhau”, tiếp đến là chia nửa số cần, mỗi bên uống một hiệp, và cuối cùng thì uống từng đôi một, cứ trai bản này thì cầm cần uống với gái bản kia… khi đã hòm hòm rồi, chủ nhà mới mang pí hoặc khèn bè đến. Ai biết “nhuôn”, “xuối”, “lăm”… thì bắt đầu trổ tài thi nhau. Tiếng cồng chiêng ngừng hẳn, cả đám cùng ngồi nghe. Ai thua phải uống hai phong, ba phong rượu theo quy định (cái sừng trâu dùng làm định lượng đổ nước rượu cần, gọi là phong). Ai thua cuộc, sẽ có người khác vào kéo tiếp cuộc giao lưu nhuôn, xuối... đi mãi. Đuốc này tàn thì thắp đuốc khác lên. Cuộc vui này chủ yếu là thi tài uống rượu và hát nhuôn, xuối. Gái trai say giọng, say lời, “tức nhau tiếng gáy” hoặc vì danh dự của “phe mình, bản mình” mà không chịu thua nhau… và rồi cái chồi xuân bắt đầu âm thầm hé nở trong mỗi trái tim của các chàng trai, cô gái trong cuộc. Ai hát hay nhất, cô gái nào có giọng “lăm” hay nhất, ngày mai sẽ bay đi rất xa, mai kia dù có hỏi vợ, gả chồng ở đâu cũng không có ai quên được! 
 
Mùa xuân ở những bản mường Thái trên đất Quỳ Hợp ngày xưa, mang đậm chất nhân văn qua những trò chơi giao duyên trai gái, rất tự nhiên, hồn hậu, tạo nên một nét văn hoá chơi xuân độc đáo.
 
Ngày nay, do nhiều yếu tố tác động, bản mường đã dần vắng bóng nhà sàn, và cũng vắng luôn các cuộc vui như đã nói ở trên?!
 
Thái Tâm