Ngày 10/11/2016,  ông Trần Văn Quốc ở khối Tân Thái, thị trấn Nghĩa Đàn ký hợp đồng với Công ty CP XNK Hoàng Phú Việt Nam trồng 20 nghìn bao gừng với kinh phí 402 triệu đồng.

Nội dung hợp đồng là bên B (ông Quốc) đồng ý trồng gừng cho bên A (Công ty XNK Hoàng Phúc) tư vấn kỹ thuật. Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm, đồng thời với hướng dẫn kỹ thuật của công ty, Công ty cam kết mỗi bao gừng có trọng lượng 2,5 kg, nếu không đạt Công ty sẽ bù lỗ.

bna_image_3167128_1632018.jpgGừng đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được thu mua, gia đình ông như ngồi trên đống lửa. Ảnh: Đinh Thùy
Tuy nhiên, đến nay gừng của gia đình đã quá thời gian thu hoạch, nhiều bao gừng đã mọc mầm. Đặc biệt mặc dù mua giống, làm theo chỉ đạo của kỹ thuật Công ty cử đến nhưng năng suất gừng thu được lại chỉ bằng khoảng 1/5  so với cam kết trong hợp đồng.

Qua tìm hiểu hợp đồng của ông Quốc với Công ty thì ngoài việc bán giống, Công ty còn cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sinh học cho người dân từ khi trồng đến khi thu hoạch.

Từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, gia đình ông Trần Văn Quốc đứng ngồi không yên khi 20 nghìn bao gừng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thấy công ty về thu mua như cam kết. Ông Quốc cho biết: "Tôi đã liên lạc với 2 số điện thoại của giám đốc, số thì không liên lạc được, số không thấy bắt máy; lại gọi cho kỹ thuật được nghe họ cho biết đang lo giải quyết số gừng trong Hà Tĩnh xong rồi mới ra. Họ nói mình chờ nhưng không biết là chờ đến bao giờ. Trong khi gừng đã mọc mầm rồi".

Hai bao gừng của anh Quốc Đào lên chỉ có trọng lượng 450 gam; trong khi theo hợp đồng nếu áp dụng đúng kỹ thuật sẽ được 5kg. Ảnh: Đức Anh
Để chứng minh cho lời mình nói ông Quốc gọi điện cho một người tên Phúc, là người được cho là phụ trách kỹ thuật, trả lời thắc mắc của người trồng gừng. Khi được hỏi gừng lúc nào được thu mua thì người này trả lời: “Em đang giải quyết gừng ở Hà Tĩnh, chờ giải quyết trong này xong đã…”

Theo ông Quốc, để trồng 20 nghìn bao gừng, gia đình phải mua gừng giống của Công ty với giá 65.000 đồng/kg, tiền giống hết 130 triệu đồng, ngoài ra  phân bón, kỹ thuật hướng dẫn, tổng số tiền đầu tư gần 500 triệu.

Một số bao gừng đã bị thối, mọc mầm. Ảnh: Đức Anh
Trong quá trình trồng, gia đình phải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của kỹ thuật từ bón phân đến tưới nước, riêng chi phí cho kỹ thuật hướng dẫn cũng mất 40 triệu đồng.

" Theo hợp đồng, Công ty tính toán thì 20 nghìn bao gừng sau khi thu hoạch sẽ được 50 tấn, với giá 18.000 đồng/kg được 900 triệu; trừ 494 triệu tiền chi phí thì gia đình cũng còn hơn 400 triệu sau 8 tháng. Nghĩ đây là cơ hội làm giàu nên vay mượn ngân hàng để làm. Giờ thì mong gừng bán được để bù được vốn là mừng. Nhưng giờ bán ngoài không ai mua" - ông Trần Văn Quốc buồn bã cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Thao - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghĩa Đàn, hợp đồng trồng gừng là do tự phát người dân ký với doanh nghiệp. Hiện nay gừng quá hạn thu hoạch mà chưa bán được, năng suất kém. Địa phương cũng tạo điều kiện về giấy tờ để người dân kiến nghị theo hợp đồng ban đầu đã ký kết giữa công ty và người dân.
Hợp đồng giữa nông dân với công ty. Ảnh: Đình Thùy

Đứng ngồi không yên, lo lắng tiền vay ngân hàng khi gừng không bán được,  nông dân mong muốn được các cấp, các ngành vào cuộc để công ty thực hiện đúng như hợp đồng đã ký kết. Theo như địa chỉ ghi trên hợp đồng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam có địa chỉ tại ấp Long Điền, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.