(Baonghean) - Cụ Lô Văn Xo, ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương), năm nay 88 tuổi, là một trong những chiến sỹ của tiểu đội dân quân tự vệ tiếp quản chính quyền ở phủ Tương Dương vào năm 1945. Mùa Thu ấy đã lùi xa 70 năm nhưng ký ức về ngày cầm giáo xông lên giành chính quyền về tay nhân dân vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cụ. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ vẫn bừng bừng khí thế sục sôi của chàng trai 18 tuổi tham gia giành chính quyền. 

Chúng tôi tìm gặp ông Lô Văn Xo, 1 trong 12 chiến sỹ của tiểu đội dân quân tự vệ cầm kiếm và giáo xông vào phủ Tương Dương tiếp nhận chính quyền từ tay chế độ cũ. Phủ Tương Dương thời đó rộng khắp cả ba huyện: Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn bây giờ. Phủ lỵ đóng ở bản Cửa Rào, xã Xá Lượng. 

Cụ Lô Văn Xo năm nay đã bước sang tuổi 88, đang sống với người con trai tại Thị trấn Hòa Bình, cách bản cũ ba chục cây số. Năm nay, sức khỏe cụ đã yếu, khi chúng tôi đến, các con phải dìu cụ ra tiếp khách. Ấy vậy nhưng khi chúng tôi nhắc đến những ngày tháng giành chính quyền, cụ sôi nổi kể với đôi mắt ngời sáng, đầy tự hào: “Ngày đó chúng tôi làm cách mạng chỉ có cây giáo, cây kiếm thôi. Cả đội có một khẩu súng…” - đó là cách cụ Xo bắt đầu câu chuyện về những ngày tháng cách đây 70 năm.

Dù cao tuổi nhưng cụ Lô Văn Xo vẫn rất minh mẫn
Dù cao tuổi nhưng cụ Lô Văn Xo vẫn rất minh mẫn

Ông Lô Văn Xo sinh năm 1927 ở bản Tam Bông xã Tam Quang (Tương Dương). Ngày ấy, vùng này có tên gọi Mường Pố. Cả bản cũng chỉ có hơn chục nóc nhà. Năm 1945, chàng trai Lô Văn Xo đã qua 18 mùa rẫy. Ngày đó, nghe theo người của Việt Minh đến thông báo “Giặc Pháp đã thua, Nhật cũng đầu hàng rồi. Mình phải làm cách mạng, đi giành chính quyền”. Lô Văn Xo hăng hái tham gia đội dân quân tự vệ gồm 12 người. Ông Pồn Vấn ở bản Chắn xã Thạch Giám làm đội trưởng, anh Xo ít tuổi hơn nhưng biết đọc, biết viết chữ, làm đội phó có nhiệm vụ ghi lại thông tin khi tiếp nhận chính quyền. 

Thời đó ai cũng biết quan phủ Năng có tiếng là uy quyền. Thế nhưng khi bước vào cổng phủ chỉ có hai lính gác và họ buông vũ khí đầu hàng. Dường như họ cũng biết được tình thế để sẵn sàng trao chính quyền lại cho cách mạng. Trong phủ chỉ có vị đề đốc, thư lại, thừa phái. Trên ngọn núi phía hữu ngạn sông Lam có 2 lô cốt của quân Pháp, ngày thường có khoảng trên dưới 30 lính đồn trú. Nhưng bọn họ đã chạy tuốt sang Noọng Hét (Lào) từ khi có tin Pháp thua trên toàn chiến trường Đông Dương. Đúng thời cơ ngàn năm có một, cướp chính quyền mà chẳng phải bắn phát đạn nào, cái kiếm, cây giáo trong tay cũng chẳng phải vung lên.

Sau khoảng 20 ngày giành được chính quyền, tiểu đội dân quân tự vệ cũng giải thể. Trở về bản, ông Xo được bố trí làm tiểu đội phó dân quân, sau này là xã đội trưởng. Từ năm 1950 ông làm Phó chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính xã Tam Quang. Thời đó tên lý Đoàn là một kẻ chống đối nguy hiểm nhất vùng rừng núi giáp ranh giữa huyện Tương Dương và Con Cuông. Hắn ta theo Pháp và được người Pháp trang bị để chống phá cách mạng. Trang bị của dân quân, du kích xã gần như chưa có gì nên đối phó rất khó khăn với thế lực lý Đoàn. Lúc đó huyện đội cử về một trung đội để dẹp loạn. Lý Đoàn và con trai được sự yểm hộ của một số người trong dòng họ luôn lẩn trốn trong rừng nên rất khó tiếp cận. Khi bộ đội bố trí chặn các ngả đường vượt biên, ông ta trở ra bản Tùng Hương chỉ cách Quốc lộ 7 vài cây số ẩn náu trên một chòi rẫy khiến ít người ngờ đến.

Lần ấy, bộ đội phát hiện nơi ẩn náu của lý Đoàn và lên kế hoạch bắt sống. Sau khi đã thiết lập được vòng vây phía ngoài, trung đội trưởng bộ đội địa phương và 2 chiến sỹ nữa tiếp cận mục tiêu nhưng cha con lý Đoàn tỉnh giấc vùng chạy vào rừng sâu. Sau nhiều lần vây bắt, lý Đoàn bị tiêu diệt trên đường trốn sang Lào. “Trong giai đoạn sau đó, tôi bị trận ốm nặng, nằm liệt giường suốt 4 tháng liền nên xin thôi chức chủ tịch xã”, cụ Xo tiếp tục câu chuyện. Nhưng khi khỏi ốm, cụ tham gia dạy bình dân học vụ trong bản, rồi được huyện cử làm Bí thư Chi bộ xã Tam Quang. Lúc đó mỗi xã chỉ có một chi bộ chứ chưa quy mô thành đảng bộ như bây giờ. Toàn xã có hơn 20 đảng viên. 

Khoảng năm 1956, Hợp tác xã mua bán huyện Tương Dương thành lập, ông Xo được điều động về làm chủ tịch thương nghiệp. Lúc đó ông bảo: “Tôi chỉ biết dạy chữ làm sao biết buôn bán?”. Cấp trên khuyên cứ làm rồi tỉnh, huyện sẽ tăng cường cán bộ giúp đỡ. Sau một thời gian, Ty Thương nghiệp tỉnh điều ông về thành lập Công ty thương nghiệp liên huyện Tương Dương - Con Cuông. Nhiệm vụ mới này quả thực khó khăn với một người chưa từng kinh qua việc kinh doanh. Nền thương nghiệp miền núi ngày ấy cũng manh mún, nhỏ lẻ lắm. Hàng hóa miền xuôi lên chủ yếu là thuộc bộ phận mậu dịch. Đến năm 1958, cụ Xo được tham gia lớp đào tạo ngắn hạn của Trường Thương nghiệp Trung ương. Sau khóa học, cụ được cử làm Trưởng phòng Tài chính - Công thương huyện. Những năm sau đó, cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1982, cụ kinh qua nhiều vị trí công tác như Phó bí thư Huyện ủy, Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND và Bí thư Huyện ủy Tương Dương. Ở vị trí nào Lô Văn Xo cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Trong ký ức của người cán bộ lão thành đã trải qua 88 mùa thu, có nhiều kỷ niệm đan xen, nhưng đáng nhớ nhất, đẹp nhất mà cụ luôn nhớ là những ngày cùng lực lượng cách mạng và nhân dân tiếp quản chính quyền ở phủ Tương Dương cách đây 70 mùa thu./.

Hữu Vi