(Baonghean) Đình Hữu Lệ, thuộc thôn Hữu Lệ, nay là xóm 1, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn cách Thành phố Vinh 73km về phía tây nam.

Ngôi đình được xây dựng vào thế  kỷ XIX, thờ thần Cao Sơn Cao Các. Theo truyền thuyết kể của các cụ cao tuổi thì thời xa xưa  ở đây có một người to cao vạm vỡ từ  ngoài Bắc đến, bảo rằng vùng đất này sẽ có  18 quận công.

Phía trước đình làng có bụi trúc rất  đẹp, cần phải đào ao sen, tạo cho ngôi đình có thế tụ linh tụ phúc. Nhưng bà  con lại sợ ông ngoài Bắc thu nhiều tiền, dân không có mà trả, chỉ cho đào phía ngoài nên  đã làm đứt mạch đầu rồng, nước chảy ra lai láng đỏ một vùng. Từ đó, mạch đất có 18 quận công cũng không còn nữa?!


    

         Đình Hữu Lệ xã Tào Sơn huyệnAnh Sơn đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Đình Hữu Lệ có thượng điện và nhà bái đường. Thượng điện gồm 1 gian 2 hồi văn, nhà bái đường cũng có 3 gian 2 hồi, trước đây có cổng tam quan, trên có 2 con nghê chầu lại. Thượng điện đã bị hư hỏng, nhà bái đường còn nguyên nhưng bị xuống cấp. Kiến trúc này dài 14 m, rộng 8m. 

Phía trong có 24 cột gỗ lim kê trên chân đá tảng. 2 vì kèo giữa, trên mỗi vì có 2 cột gỗ bồng được đẽo tạc công phu. Trên các kẻ trước, sau có tạc hình rồng cách điệu, hoa lá đan xen, có hình con cua, con rùa bơi lội. Nội thất có long ngai bài vị thần và 16 đạo sắc của các triều vua: Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định, Duy Tân, Đồng Khánh, Thành Thái. Mỗi đạo sắc có chiều dài 1,3m, rộng 0,6m, trên có in hình rồng, vân mây, hoa sen, phía trái có dấu triện đỏ của nhà vua. Xin giới thiệu một số đạo sắc trong số 16 đạo sắc còn lưu tại đình:


1. Tự Đức năm thứ 6 ngày 15/11 , Anh Sơn huyện , Tào Điền xã. (Đạo sắc Vua Tự  Đức năm 1853)


2. Đồng Khánh năm thứ 2, ngày 1/7 - Nghệ  An tỉnh, Lương Sơn huyện, Tào Điền xã. (Phong lần thứ 2 - Đạo sức vua Đồng Khánh, năm 1888).


3. Duy Tân năm thứ 5, ngày 8/6 - Nghệ  An tỉnh, Lương Sơn huyện, Tào Điền xã, Hữu Lệ  thôn. (Phong lần thứ 3 - Đạo sắc vua Duy Tân, năm 1912).


4. Khải Định năm thứ 9, ngày 25/9 - Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Tào Điền xã, Hữu Lệ thôn. (Sắc phong của vua Khải Định lần thứ  4, năm 1925 - Khải Định tứ tuần Đại Khánh - mừng thọ 40 tuổi)...


Nội dung các sắc phong này còn cho biết: Sắc phong cho thần Cao Sơn Cao Các – một vị  thần hùng tuấn, trị nước an dân, được các triều  đại Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định phong sắc là Thượng đẳng thần. (1)


Lễ hội xưa ở đình làng diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng (khai hạ) và ngày 23 tháng Chạp (ÂL). Ngày lễ làng treo 3 cờ hội, 20 cờ phướn trước đình, trống chiêng tưng bừng. Khi rước thần có  kiệu rồng, tàn, lọng và đông đảo bà con làng xóm, rước 16 đạo sắc, cân đai áo mũ thần hoàng làng từ nhà thờ họ Đinh (Đinh Văn Tranh) ra đình. Sau khi lễ xong, chiều làng lại trả đồ lễ, áo mũ thần và sắc phong của nhà  vua về nhà thờ họ Đinh. (2)


Tại đình làng Hữu Lệ thời xưa, ngày Tết, ngày lễ làng có trò chơi đu dây, đánh cờ tướng, đốt pháo hoa, pháo bông. Ban đêm, làng tổ chức hát tuồng rất vui vẻ như  diễn tích hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh giặc ngoại xâm, đền nợ nước trả thù nhà, hát ca trù. Bà Sỹ, bà Điệp, ông Hùng, bà Thùy…  là những nghệ nhân dân gian diễn rất hay các tích xưa.


Hiện nay, đình Hữu Lệ đã bị  xiêu vẹo, xuống cấp, huyện Anh Sơn cần sớm huy động nguồn tài trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn để tu sửa công trình lịch sử này!

_______________

1. Cụ Trường Đạm, 85 tuổi, xã  Đức Thành, huyện Yên Thành dịch.

2. Theo lời kể của ông Đinh Văn Châu, 82 tuổi, xóm 2, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn..

Phan Xuân Thành