(Baonghean) - Tại các mùa giải bóng đá thiếu niên - nhi đồng Cúp Báo Nghệ An, ngoài các giải thưởng về chuyên môn, còn có một giải thưởng đặc biệt được nhiều người hưởng ứng và cổ vũ: Giải thưởng “Học giỏi, đá bóng hay”. 
 
Từ cuối thập niên 1990 tới nay, Nghệ An vươn lên trở thành một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ lớn nhất trong cả nước, các chuyên gia của CLB SLNA đã theo dõi và phát hiện được nhiều tài năng, đưa về đào tạo nâng cao tại CLB và sau này họ đã trưởng thành, trở thành những trụ cột của CLB và cả đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, một vài cầu thủ trong số đó, sau khi trưởng thành và đến môi trường mới, do không giữ được mình đã dính vào tiêu cực hoặc không còn ý thức rèn luyện, thi đấu vì màu cờ sắc áo của CLB. 
 
Trong quá trình duy trì, phát triển Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An hàng năm - giải đấu nhằm phát hiện nhân tài từ cơ sở để chọn nguồn cho “lò” Sông Lam, các nhà tổ chức đã rất trăn trở về vấn đề trên. Do đó, ngay từ những mùa giải đầu tiên, Báo Nghệ An đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đưa ra giải thưởng dành cho cầu thủ học giỏi, đá bóng hay. Đây là một hình thức khuyến khích, nhắc nhở các em có năng khiếu bóng đá phải chăm lo học văn hóa. Bởi cầu thủ, ngoài đá bóng giỏi cũng phải có một nền kiến thức văn hóa tốt thì mới tránh được những cám dỗ ngoài xã hội và có được ứng xử chuẩn mực xứng với tình cảm của người hâm mộ.
 
image_9707712.jpgTrao quà cho các em học giỏi, đá bóng hay mùa giải 2014. Ảnh: Trần Hải
 
Từ đó đến nay, tại các lễ khai mạc hoặc bế mạc vòng chung kết mỗi mùa giải, các cầu thủ là học sinh giỏi huyện, tỉnh, học sinh xuất sắc được đại diện Ban tổ chức, Hội Khuyến học tỉnh tặng thưởng. Hàng năm, có từ 30 - 40 cầu thủ nhí được tặng thưởng tại vòng chung kết. Mùa giải 2011, trong số hơn 200 cầu thủ về tham dự vòng chung kết có tới 73 em là học sinh giỏi, con số được coi là đột biến.
 
Ngoài tiền thưởng, các em còn được trao tặng những phần quà như sách, vở hay những chiếc cặp sách mang dòng chữ lưu niệm của giải - có ý nghĩa động viên các em tiếp tục phát huy những kết quả trong học tập, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi. Từ giải thưởng này, một số địa phương, trong những lần tổ chức giải bóng đá thiếu nhi của riêng mình, cũng dành kinh phí trao thưởng cho những cầu thủ học giỏi, đá bóng hay như Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Thị xã Thái Hòa…
 
Giải thưởng cũng góp phần nhắc nhở các bậc phụ huynh và các nhà trường cần tạo điều kiện cho các em học sinh, trong đó có các em học sinh giỏi, được tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, để các em có thể phát triển toàn diện. Đối với những cầu thủ có ý định và đang trên đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, lâu nay, người ta thường nghĩ rằng  chuyện học hành của các em là một vấn đề “tế nhị”, vì các em đều “bận” tập luyện bóng đá, nên không còn nhiều thời gian để học hành. Và giải thưởng “Học giỏi, đá bóng hay” của Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An đã góp phần để có nhận thức chung rằng, các cầu thủ không chỉ cần một đôi chân khéo léo, nhanh nhẹn mà còn cần một cái đầu thông minh, hiểu biết. Bởi để bóng đá Việt Nam phát triển có chiều sâu thì việc giáo dục tư cách, văn hóa, kiến thức cho cầu thủ ngay từ khi còn trẻ là điều rất cần thiết. 
 
Hàng năm, trong số các cầu thủ xuất sắc được CLB SLNA tuyển chọn vào các lớp đào tạo trẻ, có không ít cầu thủ giành được giải thưởng “Học giỏi, đá bóng hay”, nhiều em từng đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Ví như mùa giải 2013 là những cầu thủ Hồ Xuân Nguyện (Con Cuông), Nguyễn Khắc Năng (Hưng Nguyên), Nguyễn Tiến Hiếu (Thanh Chương)..  Mùa giải 2014 có Trần Đình Hùng (Yên Thành), Đinh Xuân Tiến (Nam Đàn), Nguyễn Hải Huy (Anh Sơn)… Có những cầu thủ, dù xác định theo con đường bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn duy trì thành tích “học giỏi” của mình. 
 
...Thực tế cho thấy, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, kể cả những cầu thủ tài năng, sau khi giải nghệ, đã gặp nhiều chật vật trong cuộc sống. Người thì thất nghiệp, người thì phải bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề phổ thông, người thì sống nhờ vào sự cưu mang của các “đại gia” sở hữu đội bóng nghiệp dư. Trước thực trạng đó, những cầu thủ có ý thức học tập từ bé đã chọn con đường học vấn để có thể tìm cho mình một nghề ổn định sau khi giải nghệ. Điển hình là trường hợp Nguyễn Viết Nguyên (SN 1995) của đội U21 SLNA - cầu thủ từng được gọi vào tập trung đội tuyển U19 quốc gia năm 2014 và hiện đang được SLNA cho Phú Yên mượn thi đấu tại Giải hạng Nhất quốc gia.
 
Trong các năm 2007 và 2008, Nguyên lần lượt là thành viên các đội nhi đồng và thiếu niên TP. Vinh tham gia Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An và lần nào cũng được trao thưởng “Học giỏi, đá bóng hay”. Từ đó, Nguyên được tuyển chọn vào CLB SLNA và là cầu thủ xuất sắc ở các đội trẻ SLNA, từ U15, U17, U19 đến U21. Nhưng bên cạnh tập luyện với trái bóng, Nguyên cũng chú trọng học tập và năm 2013, em đã thi đậu vào Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh và vẫn đang tiếp tục theo học ngành này. Xa hơn nữa là trưởng hợp tuyển thủ U23 Nguyễn Công Phượng của học viên HAGL Arsenal JMG, từng là thành viên đội nhi đồng Đô Lương tham gia giải năm 2006. Nhiều năm liên tiếp Phượng là học sinh xuất sắc của các cấp học, dù ở Đô Lương hay ở Pleiku (Giai Lai) và năm ngoái thi đỗ vào Đại học Sư phạm TDTT TP. Hồ Chí Minh…
 
Đó là những tấm gương cho các cầu thủ trẻ noi theo, đồng thời khẳng định ý nghĩa thiết thực của giải thưởng “Học giỏi, đá bóng hay” của Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An. 
 
Minh Quân