(Baonghean) - Chỉ một cái thiếu thôi mà gây ra, để lại biết bao hậu quả to lớn. Đây chính là cái thiếu vô cùng nguy hại rất cần được lấp đầy càng sớm, càng tốt.

Có những việc, những vấn đề nhìn thấy vậy mà không hẳn là vậy. Đơn cử như trận mưa vừa rồi đã khiến cả thành phố Hồ Chí Minh ngập sâu trong nước nhiều giờ liền, thiệt hại về vật chất không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là thứ không thể cân đong, đo đếm theo cách thuần túy cơ học. Đó là uy tín, là vị thế của một thành phố đầu tàu của cả nước mà vẫn lâm vào tình cảnh như vậy thì… Có người đã ví đó là ngày “Sài Gòn thất thủ”. Đúng là đã có sự “thất thủ” trong một số kế hoạch, đề án. Vậy nguyên nhân do đâu? Liệu có phải là do cơn mưa quá to, to nhất trong 50 năm qua?

Thật ra, cơn mưa to đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Và đó có thể là cái cớ để cho ai đó vin vào đổ lỗi cho thiên tai. Nhưng nguyên nhân sâu xa là ở chỗ khác. Như lời ông Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thì: Ngập nước do để dân lấn chiếm kênh rạch. Bởi trước đó lãnh đạo thành phố đã đi kiểm tra và thấy nổi lên một điều: Buông lỏng trong công tác quản lý xây dựng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng hầu hết các quận, huyện đều có hiện tượng để người dân chiếm dụng đất công xây nhà, dựng quán trên nhiều cống xả, hố ga thoát nước làm tắc dòng chảy.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Như vậy là có thể đi đến kết luận ngập nước là do cán bộ đã lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đó mới là nguyên nhân sâu xa và cơn mưa chỉ là nguyên nhân trực tiếp, nhất thời. Còn vì sao lại lơ là, thiếu trách nhiệm thì có muôn ngàn lý do. Trong đó có cả những lý do “tế nhị” không tiện nói ra đây. Bởi cái nhà to như… cái nhà chứ có phải cây kim đâu mà không biết, không thấy. Tóm lại, “Sài Gòn thất thủ” trước mưa, ngập trước hết và cơ bản là do con người chứ không phải do thiên nhiên.

Mượn sự cố vừa mới xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh để đi đến một mục đích là đi tìm một nguyên nhân cơ bản để có thể lý giải cho rất nhiều bất cập, hạn chế đang diễn ra trong cuộc sống, gây nhiều bức xúc cho người dân. Như cứ đến mùa mưa bão là vùng núi cao lại xảy ra lũ quét, lũ ống cuốn trôi nhà cửa, làm chết không ít người. Bởi núi rừng đã hết cây lấy gì giữ đất. Vùng hạ du thì người dân bồng bế nhau chạy lụt do không chỉ mưa to mà còn do nhà máy thủy điện xả lũ. Lũ chồng lên lũ thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Bởi nhà máy thủy điện được phép xây dựng quá nhiều.

Còn ở thành phố lớn, hễ cứ ra khỏi nhà là tắc đường, là tai nạn giao thông. Cũng bởi tại quy hoạch dân cư, xây dựng, giao thông luôn bị phá vỡ vì các dự án bất động sản mọc lên ở những chỗ bất hợp lý. Vỉa hè thì bị lấn chiếm kinh doanh, buôn bán đủ thứ… Tóm lại, đằng sau mỗi sự cố thiên nhiên hay xã hội thì đều thấy thấp thoáng bóng dáng những hành vi quen thuộc của đội ngũ “công bộc của dân”, được gọi là: chủ quan, lơ là, buông lỏng, thiếu trách nhiệm…

Từ đây mới thấy phần lớn của những sự cố, những bất ổn đều có chung một nguyên nhân là do những người có trách nhiệm, chịu trách nhiệm mà lại thiếu trách nhiệm. Chỉ một cái thiếu thôi mà gây ra, để lại biết bao hậu quả to lớn. Đây chính là cái thiếu vô cùng nguy hại rất cần được lấp đầy càng sớm, càng tốt.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN