(Baonghean) - Sắp tới, nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á sẽ có cuộc làm việc báo cáo với lãnh đạo tỉnh về tình hình đầu tư và chiến lược phát triển của CLB SLNA, PV Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thanh-Tổng giám đốc Công ty kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá SLNA xung quanh vấn đề này.
P.V: Ông có thể cho biết cơ duyên gắn bó giữa CLB SLNA và nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Cuối mùa giải 2009, các CLB ở V.League bắt buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Lúc đó SLNA đứng trước tình thế “nước đến chân” rồi mà vẫn chưa tìm được “Mạnh Thường Quân” nào tài trợ, có doanh nghiệp đã lợi dụng tình thế đó đặt ra những yêu sách đối với tỉnh khi nhận đội bóng nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã không đồng ý. Trong lúc khó khăn đó, nhận lời mời từ lãnh đạo tỉnh, Ngân hàng Bắc Á đã vào cuộc để giúp đỡ, tài trợ cho CLB SLNA. Tháng 10/2009, Công ty cổ phần Sông Lam Nghệ An được thành lập theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Bắc Á.
SLNA đoạt Siêu cup 2011.
Với nguyện vọng xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp, mang màu cờ sắc áo quê hương, chị Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á đã gặp gỡ trao đổi với tôi – lúc ấy đang làm Tổng giám đốc điều hành CLB ACB Hà Nội. Nhận thấy sự tâm huyết của chị Hương, tôi đã đồng ý về cộng tác, lúc đó Hữu Thắng cũng đang được CLB Hà Nội T&T mời làm HLV trưởng với những ưu đãi rất cao nhưng anh ấy vẫn về làm việc ở SLNA. Là những người đã từng cộng tác với SLNA nhiều năm trước đó, khi trở về, chúng tôi đã kêu gọi, động viên các cầu thủ trụ cột ở lại cùng nhà tài trợ “chung lưng đấu cật” để xây dựng CLB SLNA.
- Nhưng có người vẫn cho rằng nhà tài trợ nể lãnh đạo tỉnh mà nhận lời chứ không thực sự mặn mà với SLNA?
- Nói như vậy là sai, bởi ngay từ đầu, khi nhận lại CLB SLNA chị Hương đã đặt vấn đề là muốn giữ nguyên tên gọi của đội bóng SLNA như mong muốn của số đông các CĐV chứ không ghép tên của doanh nghiệp vào như các nhà tài trợ khác từng làm, với mong muốn giúp đội bóng quê nhà xây dựng một thương hiệu có truyền thống, có bản sắc, để SLNA là “niềm tự hào của xứ Nghệ” và có chiến lược phát triển vững chắc. Chính chị Hương đã bàn với tôi về việc xây dựng một sân vận động mới cho CLB, xây dựng Học viện bóng đá trẻ SLNA. Từ chủ trương đó, Ban lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á đã liên hệ với nhà môi giới để mời các CLB Manchester, Liverpool của Anh tham gia, với mục tiêu sẽ cho ra lò những lứa cầu thủ có chất lượng cao, đảm đương được các vị trí trên sân để không phải thuê cầu thủ ngoại và có thể chuyển nhượng trên thị trường quốc tế. Chúng tôi cũng đã soạn thảo xong đề án xây dựng học viện và gửi cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, thế nhưng do tình cảnh kinh tế khó khăn chung nên dự án này chưa được triển khai như dự kiến. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà tài trợ vẫn đảm bảo được các hoạt động cho CLB, thực hiện kịp thời các chế độ cho cầu thủ và HLV chứ không để tình trạng nợ lương thưởng như những CLB khác. Tất cả các cầu thủ, HLV đều đánh giá từ khi SLNA chuyển sang chuyên nghiệp, các điều kiện hoạt động của CLB đều được đáp ứng tốt nhất từ trước đến nay bởi những ưu đãi của tỉnh và nhà tài trợ đều dành cho CLB.
Trong quá trình làm việc, lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á cũng luôn quan tâm động viên kịp thời đến từng cầu thủ và HLV. Chị Thái Hương cũng từng nói chuyện với tôi về lối chơi của SLNA là làm sao đừng để người ta gọi là “chém đinh chặt sắt”, phải quản lý giáo dục từ HLV cho đến cầu thủ sao cho có tính chuyên nghiệp, mỗi khi ra sân phải thi đấu vì màu cờ sắc áo của quê hương.
- Ngoài sự tài trợ của Ngân hàng Bắc Á, CLB SLNA có nhận được sự hỗ trợ, ưu ái nào từ tỉnh không, thưa ông?
- 3 năm qua, Ngân hàng Bắc Á đã đầu tư trên 200 tỷ đồng để trả lương, chế độ hàng tháng cho HLV, cầu thủ đội 1 và cho gần 200 VĐV, HLV ở các lứa tuổi U11, U13, U15, U17, U19, U21, xây dựng, sửa chữa một số cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, CLB SLNA cũng luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của các cấp, các ngành, được tỉnh hỗ trợ gần 20 tỷ đồng cho công tác đào tạo trẻ, cùng với đó là một số cơ chế ưu đãi cho CLB SLNA để xây dựng các khu thể thao và kinh doanh, khen thưởng cho thành tích của CLB.
- Với sự đầu tư đó, SLNA đã gặt hái được những thành quả gì?
- Nhờ có sự đầu tư của Bắc Á, sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh và của đông đảo CĐV xứ Nghệ ở khắp mọi miền đất nước cùng với sự phấn đấu nỗ lực của tập thể CLB SLNA, 3 mùa giải vừa qua, SLNA đã gặt hái được rất nhiều thành tích, ở đội 1 là chức Vô địch quốc gia lần thứ 2 sau 10 năm chờ đợi, rồi Cúp Quốc gia, Siêu Cúp 2011, lần đầu tiên lọt vào vòng 2 Cúp AFC… Còn ở các đội trẻ, năm nào cũng có các đội lọt vào vòng chung kết, trận chung kết, và mới đây đội U21 và U17 đã đoạt chức vô địch quốc gia 2012, 2 HCV bóng đá ở Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc 2012. CLB SLNA cũng có đóng góp lớn cho bóng đá nước nhà khi ở đội tuyển quốc gia, tuyển U21, U19 Việt Nam luôn có 4-5 cầu thủ của CLB SLNA. Ngay như ở Giải U21 quốc tế Báo Thanh niên vừa diễn ra, đội U21 đại diện cho Việt Nam có đến 7 cầu thủ của SLNA luôn có mặt trên sân, HLV trưởng cũng là HLV của SLNA! SLNA cũng được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đánh giá là một CLB tổ chức tốt các trận đấu ở giải Vô địch quốc gia và giải AFC Cup.
- Sắp tới lãnh đạo tỉnh sẽ có cuộc làm việc với nhà tài trợ để bàn về chiến lược phát triển của CLB SLNA, ông có mong muốn, gửi gắm gì tới cuộc làm việc này?
Bóng đá chuyên nghiệp sự cạnh tranh rất gắt gao, nhiều địa phương, đơn vị có truyền thống như Nam Định, Đồng Tháp, Thể Công, Cảng Sài Gòn, Hải Phòng… đã phải giải thể đội bóng hoặc bị rớt hạng. Trong khi đó, SLNA là đội bóng duy nhất trên toàn quốc hơn 30 năm thi đấu mà chưa bao giờ xuống hạng. SLNA cũng là đội bóng nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của lãnh đạo tỉnh qua nhiều thế hệ, của đông đảo các CĐV. Chính sự quan tâm, động viên đó đã góp phần tạo dựng nên một đội bóng có bản sắc, có truyền thống, ổn định và vững chắc. Do đó, tôi mong muốn qua cuộc làm việc này, nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng đội bóng, lãnh đạo tỉnh, các ngành đã quan tâm, quan tâm hơn nữa, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ CLB trong thời điểm khó khăn này. Từ sự quan tâm đó, CLB sẽ có những cầu thủ giỏi, cống hiến những trận cầu có chất lượng chuyên môn cao, làm cho “chảo lửa thành Vinh” sẽ luôn sôi động, thu hút được đông đảo khán giả đến sân và giữ được hình ảnh “SLNA-niềm tự hào của xứ Nghệ”.
Mặc dù có người nói này nói nọ nhưng BHL và các cầu thủ SLNA luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào nhà đầu tư, vào lãnh đạo tỉnh, vào hàng triệu CĐV SLNA ở khắp mọi miền đất nước để cùng nhau xây dựng CLB ngày càng vững mạnh. Các cầu thủ chủ chốt sắp hết hạn hợp đồng cũng tâm sự với tôi rằng họ có nguyện vọng gắn bó với đội bóng quê hương và sẵn sàng chấp nhận giảm lương thưởng, tiền ký hợp đồng chuyển nhượng để cùng sẻ chia khó khăn với CLB. BHL cũng đề ra phương án siết chặt chi tiêu, giảm lương thưởng, tăng số lượng cầu thủ trẻ lên thi đấu ở đội 1, giảm việc chuyển nhượng cầu thủ, phát triển bóng đá bằng chính nội lực. Trong thời gian tới, bản thân tôi và BHL, các cầu thủ cũng phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để làm sao tăng nguồn thu từ bán vé, kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu CLB SLNA sẽ trở thành nguồn thu chính, đủ để trang trải cho các hoạt động của CLB.
- Xin cảm ơn ông! Chúc SLNA tiếp tục gặt hái nhiều thành công!
“Mong muốn SLNA sẽ mãi là niềm tự hào của xứ Nghệ”
Đức Dũng (Thực hiện)