(Baonghean) - Bắt đầu từ năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai cuộc vận động  “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh...

Đến thăm lớp học nhóm trẻ 3 tuổi của Trường Mầm non Hưng Phú (Hưng Nguyên), tôi thực sự ấn tượng với những đồ chơi rực rỡ sắc màu, những góc học tập được trang hoàng, bày biện đẹp mắt với hàng trăm danh mục tạo nên hứng thú cho trẻ trong chơi và học. Tất cả đều do bàn tay khéo léo của các cô làm nên. Dù bận rộn với công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ từ sáng đến tối (bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 17h30) nhưng hàng năm 100% giáo viên của trường đều có 2 bộ sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm. Cô Nguyễn Thị Huyền, phụ trách nhóm lớp 3 tuổi, Trường Mầm non Hưng Phú cho biết: “Không phải ai cũng khéo tay để làm nên các sản phẩm này, nhưng lòng yêu nghề mến trẻ, nhu cầu thực tiễn dạy học, muốn trẻ có đồ dùng, đồ chơi hấp dẫn thì mỗi người đều nỗ lực, cố gắng mày mò, tìm tòi. Những sản phẩm đó được làm bằng cả niềm đam mê và tâm huyết...”.

Giờ kể chuyện của cô trò Trường Mầm non Vinh Tân (TP. Vinh).

Là cái nôi - nơi ươm mầm tài năng cho đất học Nghệ An, những năm qua. Trường THPT chuyên Phan Bội Châu luôn nằm trong tốp đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn của cả nước. Những cái tên như Nguyễn Tất Nghĩa, Nguyễn Trung Hưng, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Đình Hội - những học trò xuất sắc của Trường gắn với những Huy chương Vàng khu vực và quốc tế cùng rất nhiều học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa, á khoa các kỳ thi đại học... Những thành tích đó đáng tự hào biết bao! Phía sau những hào quang đó là công lao những người thầy luôn tận tâm, tận lực với trò. Đó là Nhà giáo ưu tú Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng nhà trường, người được rất nhiều thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ca ngợi; là những người thầy, người cô đem hết nhiệt huyết truyền lửa cho trò như thầy giáo Trần Văn Nga (môn Vật Lý), cô Nguyễn Thị Lan (môn Hóa) cô Lê Lương Tâm (môn Văn)...

Ở huyện miền núi Quỳ Châu, những năm qua, cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, thi đua đổi mới phương pháp giảng dạy, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học thì phong trào giúp đỡ học sinh nghèo đã trở thành nét đẹp truyền thống. Phong trào “bớt chi tiêu giúp đỡ học sinh nghèo” được Công đoàn ngành Giáo dục huyện phát động từ năm học 2007-2008 và duy trì đều đặn cho đến nay. Trung bình mỗi tháng cán bộ, công chức của ngành đóng góp 30.000đ vào quỹ; ngoài ra, bản thân mỗi người tự đăng ký giúp đỡ một trường hợp cụ thể bằng những việc làm thiết thực; 100% các trường học trên địa bàn phát động phong trào thi đua “làm việc tốt” vì học sinh. Tấm lòng,  tình cảm, tâm huyết của thầy cô vùng cao Quỳ Châu đã nuôi lớn những ước mơ cho học sinh, giúp các em vượt qua những khó khăn trước mắt vươn lên học tập tốt...

Các thầy, cô ở các trường vùng biển như: Quỳnh Phương, Sơn Hải (Quỳnh Lưu)…, ngoài đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh; tặng sách vở, áo quần động viên các em; nhận kèm cặp ngoài giờ không thu tiền để lấp chỗ hổng kiến thức cho các em... Đầu mỗi năm học, thầy cô các trường vùng biển lại mở “chiến dịch vận động học sinh quay lại trường”. Ngoài giờ dạy, các cô, các thầy lại đi đến từng nhà vận động, thuyết phục, không gặp được cha mẹ các em lại tìm đến đồng muối, đến bến cá, đến các kho đông lạnh để nói chuyện.

Cô giáo Lê Thị Hương Sen - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh cho biết: 5 năm qua, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được chuyển hóa vào mọi mặt hoạt động của từng trường học trên địa bàn tỉnh.  Toàn tỉnh có 25.470 ngàn sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên được công nhận bậc 3 ở cấp cơ sở và 1.625 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận bậc 4, bậc 4 khuyến khích cấp tỉnh và nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học được Hội đồng khoa học tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo.

THANH PHÚC