(Baonghean) - Thông tin về buổi trợ giúp pháp lý do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức đến với bà con bản Nật Dưới (xã Châu Hoàn, Quỳ Châu) từ mấy ngày trước, vì vậy ngay từ sáng sớm, bà con đã í ới gọi nhau cùng kéo về nhà văn hóa bản. 

Đưa tay quệt mồ hôi, bà Sầm Thị Lan phấn chấn nói: “Phải đi để biết thêm thông tin chú à, biết việc gì mình được làm, việc gì là vi phạm. Thanh niên bản đi xa, về nói chuyện mạng internet, về những chương trình hay của vô tuyến, nhưng do điều kiện khó khăn, tới nay chúng tôi vẫn chưa có ánh sáng điện nên thông tin đến được rất ít ỏi”. 

Người dân bản Na Dưới (xã Châu Hoàn, Quỳ Châu) dự buổi trợ giúp pháp lý tại nhà văn hóa bản.
Người dân bản Na Dưới (xã Châu Hoàn, Quỳ Châu) dự buổi trợ giúp pháp lý tại nhà văn hóa bản.

Đúng 7h sáng, buổi trợ giúp pháp lý bắt đầu. Theo đó, nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề lâu nay tưởng như đơn giản, chỉ là những chuyện trong nhà, trong ngõ, tuy nhiên sau khi được cán bộ trợ giúp pháp lý tận tình phân tích, chỉ rõ, bà con đã vỡ vạc ra nhiều điều. 

Bà Vi Thị H cho rằng: “Lâu nay cứ tưởng chuyện cãi vã giữa vợ chồng, nhiều lúc thượng cẳng tay hạ cẳng chân chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình, hóa ra chiếu theo luật thì đây lại là bạo lực gia đình”. Ông Lương Văn M sau khi được phân tích vấn đề liên quan đến thủ tục kết hôn cũng đã sáng tỏ, ông M cho biết: “Có nghe mới biết việc tự do kết hôn của lớp trẻ bây giờ không như tôi hiểu, mà tự do ở đây là tự do tìm hiểu, xây dựng hạnh phúc với người mình yêu, chứ không phải tự do dù chưa đủ tuổi kết hôn”… 

Rất nhiều những thắc mắc xung quanh các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, hộ tịch và hôn nhân gia đình…  bà con hỏi đều được cán bộ trung tâm trả lời, giải đáp thỏa đáng. Trưởng bản Na Dưới, ông Lương Văn Thắng phấn khởi: Việc cán bộ trực tiếp đến với bà con để tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp lý là rất cần thiết. Nhờ đó mà mọi thắc mắc được giải đáp, chứ đồng bào không am hiểu pháp luật, nhiều khi có thắc mắc cũng không biết đi đâu để hỏi…

Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức. Chưa nói đến, trong một số trường hợp, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động còn giúp chính quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc với người dân và người dân với nhau trong đời sống hằng ngày… góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng nghiệp vụ 1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết: “Với phương châm “hướng về cơ sở”, những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động được Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý và đội ngũ cộng tác viên thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, đã tiến hành được 29 buổi tại địa bàn huyện Quỳ Châu, Quế Phong và Tương Dương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tại các huyện còn lại, với mục tiêu mọi người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải được tiếp cận và thụ hưởng kịp thời dịch vụ pháp lý miễn phí. Có như vậy, chính sách pháp luật mới thực sự đến được với người dân, để từ đó mọi người “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Bài, ảnh: Q.A