HIV đang là một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Hiện nay, số người tích lũy có HIV tiếp tục tăng. Trên toàn quốc có hơn 227.000 người có HIV cần được chăm sóc và điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời.

resize_images1596332_ttxvn_hiv.jpgNhân viên y tế giám sát điều trị Methadone cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Thông tin trên được đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị gặp mặt các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về công tác phòng chống HIV/AIDS 2016, diễn ra sáng 24/6, tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 12.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 3.000 trường hợp tử vong do bệnh này gây ra. Trong khi đó, một khó khăn trong công tác phòng chống bệnh này đang đặt ra đó là đến năm 2017 có hơn 70% kinh phí từ viện trợ cho nhóm đối tượng này bị cắt giảm. 

Hiện nay, bảo hiểm y tế ở các đối tượng là người có HIV/AIDS mới chỉ bao phủ được 30%, bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, kêu gọi các nguồn tài trợ hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Cục Phòng chống HIV/AIDS, thời gian qua, hình thái dịch HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi. Điển hình là tỷ lệ người nữ có bệnh đã tăng lên từ 10% (năm 1993) lên đến 34% (năm 2015). Hiện nay, có 80% người có HIV/AIDS nằm trong độ tuổi từ 20-40 tuổi, việc lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục có sự gia tăng đáng chú ý (từ 10% vào năm 1993 lên đến gần 51% vào năm 2015).

Kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngành y tế đã đạt vượt mốc 100.000 bệnh nhân được điều trị ARV.

Tính đến hết năm 2015, có hơn 106.400 được điều trị bằng ARV (tăng gần 14.000 người so với năm 2014) tại 349 cơ sở điều trị hơn 500 trung tâm y tế xã cấp phát thuốc ARV và việc mở rộng cấp phát thuốc ARV trong các trại giam.

Mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ có 130.000 người được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nhằm duy trì và mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,3% vào năm 2015 và làm giảm tác động của bệnh này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục công tác tuyên truyền để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS nhằm góp phần đạt tỷ lệ 80% người dân có thái độ tích cực với người nhiễm HIV vào năm 2020…/.

Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN