(Baonghean.vn) - Sáng 22/9, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, chủ trì cuộc họp đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây đến năm 2020, triển khai những giải pháp phát triển trong thời gian tới và triển khai những nội dung quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Dự cuộc họp có các thành viên UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành.
Video ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Đường về phát triển miền Tây Nghệ An
Ba năm qua (2013-2015), tốc độ tăng trưởng bình quân trên địa bàn miền Tây Nghệ An đạt 8,04%/MT 11,3-12,3%, cao hơn tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn miền Tây có 32/203 xã, chiếm 15,8%/MT 15% đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 01 xã khó khăn thuộc huyện 30a đạt chuẩn nông thôn mới; có 01 đơn vị cấp huyện (là đơn vị duy nhất của tỉnh) hoàn thành xây dựng Nông thôn mới.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành, giao thông và hạ tầng ở các vùng miền Tây được nâng cấp, tạo thuân lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao mức sống cho nhân dân. Công tác di dân, tái định cư được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2013-2015 đạt 6,74%/MT 5-6% cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2013-2015 đạt 11,18%/MT 15,1-16,1%; Dịch vụ bình quân giai đoạn 2013-2015 đạt 6,96%/MT 12,9 -13,9%; Tổng thu ngân sách trên địa bàn các huyện miền Tây 3 năm qua đạt 3.880,1 tỷ đồng, chiếm 13,8% so với tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền Tây giảm khá nhanh, từ 26,78% vào cuối năm 2012 xuống còn 16,54% vào cuối năm 2015. Đến năm 2015, trên địa bàn miền Tây có khoảng 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 12% so với cuối năm 2012; ước đến hết năm 2016 có khoảng 1.250 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 4% so với năm 2015.
Ý kiến đánh giá của các cấp ngành tại cuộc họp đã phân tích rõ những kết quả bước đầu, đồng thời nhìn nhận rõ thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp cho miền Tây Nghệ An phát triển. Đó là tiếp tục phát triển giao thông, hạ tầng, cần điều chỉnh hợp lý các dự án thủy điện để cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường, an toàn cuộc sống người dân.
Nhiều lĩnh vực phát triển nhưng còn ở mức khởi điểm, cần thiết tăng cường gắn kết giữa sản xuất và chế biến với những cây con mũi nhọn, chăm lo nguồn nhân lực, tăng cường thu hút đầu tư. Mục tiêu đưa ra, hàng năm huy động khoảng 22.600 tỷ đồng (giai đoạn 2016 – 2020), để đảm bảo nguồn lực thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các cấp ngành vào cuộc tích cực hơn, kịp thời thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp cho phát triển miền Tây theo chỉ đạo của Trung ương. Trên cơ sở đó, khuyến khích tích tụ ruộng đất; khuyến khích, hỗ trợ nông dân góp vốn bằng đất với doanh nghiệp để tạo quỹ đất hình thành vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.
Đồng thời gắn với tổ chức sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước và Tổng đội TNXP, khẩn trương rà soát, xác định lại qũy đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để giao cho hộ dân và các đối tượng khác sử dụng có hiệu quả hơn.
Cùng đó tích cực thu hút đầu tư theo hướng công nghệ cao vào địa bàn miền Tây để khuyến khích đồng bào khai thác tốt tiềm năng lợi thế, đưa kinh tế, xã hội phát triển bền vững, trở thành vùng kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cũng trong sáng ngày 22/9, UBND tỉnh Nghệ An họp bàn về nội dung, quy trình thực hiện những cam kết với nhà đầu tư nước ngoài WHA Hemaraj Land And Development (SG) Pte. Ltd (Thái Lan); bàn về dự thảo trình Ban thường vụ tỉnh ủy ra nghị quyết về "Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2020" và Dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện "Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vớivấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới" |
Nguyên Sơn