Số trường lớp ít là một trong những nguyên nhân khiến mỗi lớp ở các cấp THCS và THPT có không quá 45 học sinh rất khó thực hiện.

Tiếp tục góp ý vào Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, lãnh đạo một số trường học cho rằng, để triển khai chương trình đạt hiệu quả, cần phải đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường học.

Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố về điều kiện vật chất tối thiểu để thực hiện chương trình quy định: Mỗi lớp ở các cấp THCS và THPT có không quá 45 học sinh. Trường học là một khu riêng được đặt trong môi trường thuận lợi cho giáo dục, có đủ phòng học để học nhiều nhất là hai ca trong một ngày, phòng học có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh...

Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội còn băn khoăn việc áp dụng chương trình mới với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Hiện nay sĩ số học sinh trong mỗi lớp ở các trường trên địa bàn thành phố quá đông, có trường phải bố trí trên 50 học sinh/lớp. Với việc dạy và học mới như theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra thì phòng học hiện nay vẫn còn là một bài toán khó.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết: “Vấn đề sĩ số học sinh quy định đối với mỗi lớp, chúng tôi nghĩ là rất khó đối với các trường ở thành thị. Bởi vì thực tế là dân số cơ học trên địa bàn tăng theo từng năm cho nên để giải quyết từ 35 học sinh đến 40 học sinh trên một lớp rất là khó và trên địa bàn thường là mỗi một phường chỉ có 1 trường THCS. Để chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện được, tôi nghĩ rằng đầu tư về trang thiết bị dạy học cho các nhà trường cũng phải một cách đồng bộ chứ hiện tại trang thiết bị dạy học cũ và cũng xuống cấp rất nhiều đòi hỏi để đáp ứng cho chương trình mới rất là khó khăn”.

images1422312_hoc_sinh_evzt.jpgảnh minh họa

Theo ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Wellspring Hà Nội, mặc dù hiện nay cơ sở vật chất các trường học đã được đầu tư hiện đại hơn nhiều so với những năm trước nhưng so với những quy định của Dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể đưa ra vẫn chưa đáp ứng được. Bởi thực hiện chương trình mới không chỉ đơn giản là phòng học mà gắn với đó là những trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thí nghiệm… cho học sinh chủ động, sáng tạo.

Ông Đặng Đình Đại cho rằng, muốn dạy, học theo chương trình mới cần số phòng học nhiều hơn số lớp mà phần lớn các trường hiện nay số phòng học là tổng số lớp chia đôi để cho học sinh học hai buổi một ngày. Để đổi mới phương pháp dạy học rất cần các trang thiết bị dạy học cho đồng bộ. 

Thế nhưng, cũng theo ông Đại, trong lần triển khai phân ban trang thiết bị được cấp về chưa đảm bảo được yêu cầu, nhiều trang thiết bị môn Vật lý hầu như không sử dụng được, bởi vì ra con số sai nhiều, trang thiết bị bảo quản của các trường không có đủ điều kiện cho nên hỏng rất nhanh. Vấn đề nữa là khi mình làm đồng loạt có nghĩa là dồn vào đầu tư cùng một lúc rất lớn nguồn cung cấp ào ạt thì chất lượng cũng không đảm bảo./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN