Trong khi các “ông lớn” như Twitter, Facebook và Google khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin rồi lặng lẽ thu thập chúng và kiếm bộn tiền từ đó.

image_2984175.jpgBiểu tượng của Công ty Facebook. Ảnh: Reuters

Không phải người dùng mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm nào trên Internet cũng hiểu thấu hết giá trị của những nội dung họ đưa lên (các post) và những cú click chuột bày tỏ quan điểm, thái độ của họ trong khi sử dụng các nền tảng dịch vụ trên mạng Internet mỗi ngày.

"Mỏ vàng" từ big data

Các hãng công nghệ như Google, Facebook, Twitter, những công ty hoạt động và kinh doanh trên nền tảng dữ liệu lớn, luôn có điều kiện tiếp cận với kho dữ liệu người dùng khổng lồ (big data) thu thập được từ ngày nọ sang tháng kia. Có rất nhiều thông tin cá nhân do người dùng "tự nguyện dâng hiến", nhưng cũng có không ít thông tin người dùng bị các nền tảng dịch vụ thu thập ngoài ý muốn.

Bạn đã từng thấy những nút Like của Facebook và các nút "Sign-in with Facebook" trên các trang web khác? Vâng, đó chính là cách mà Facebook đang dõi theo bạn ở khắp nơi trên thế giới mạng. Chưa hết, Facebook còn có khả năng theo dõi cả những nội dung đăng (post) hay bình luận (comment) mà bạn viết ra nhưng chưa gửi đi.

"Là người viết rất nhiều ứng dụng bằng ngôn ngữ lập trình JavaScript và cũng rất thích nó, tôi thấy buồn vì mặc dù tôi thừa nhận ngôn ngữ này có tính tương tác linh hoạt, nhưng các công ty khai thác dữ liệu lớn và các nhà quảng cáo lại đang dùng nó làm vũ khí chống lại chúng ta".

Nhà thiết kế web kiêm lập trình viên người Mỹ Blake Watson, người đã bỏ Facebook sau 12 năm sử dụng

Cùng với việc Facebook thu thập thông tin về bạn, lại cũng có cả những thực thể khác mà dữ liệu của bạn sẽ bị Facebook chia sẻ với họ. Đó là những trò game và những trò trắc nghiệm vui vui vẫn thường yêu cầu bạn đăng nhập tài khoản Facebook để có thể tham gia.

Sự nhiệt tình và sẵn sàng của người dùng hằng ngày sử dụng Google và các trang mạng xã hội sẽ cung cấp cho các "ông lớn" kinh doanh big data này một cơ sở khổng lồ dữ kiện về những điều bạn thích (like), không thích (dislike), chưa kể các thông tin chi tiết về thói quen chi tiêu cũng như thói quen lướt web của mỗi người...

Tất cả những thông tin đó thực sự đã cung cấp cho ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, và những lãnh đạo công nghệ tương tự hàng tá thông tin cá nhân để sử dụng cho lĩnh vực quảng cáo hiện đại trên nền tảng số. Nó cũng giúp họ có một nguồn vô tận những nội dung miễn phí để có thể "cài cắm" quảng cáo bên cạnh.

Tờ New York Times trong một bài viết từng ví von chính những đoạn post vô tận của người dùng, những bức ảnh ghi lại hành trình du lịch, nghỉ dưỡng khắp nơi, và cả những cuộc tranh cãi, "bóc phốt" nhau trên mạng xã hội đã khiến nền tảng này thực sự trở thành một chương trình "truyền hình thực tế" đỉnh cao, thu hút đông đảo người xem. Và đương nhiên, lợi nhuận chảy về túi ai thì bạn biết rồi.

Nhu cầu minh bạch

Thời gian qua, minh bạch trong hoạt động là vấn đề được nhiều công ty Internet đề cập, gần đây nhất là những liên đới trong vụ điều tra về các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ thông qua các mạng xã hội. Có hay không chuyện mạng xã hội can thiệp vào những vấn đề cụ thể của người dùng trong mọi lĩnh vực vẫn là câu hỏi không dễ trả lời chính bởi sự mù mờ của các chính sách thu thập và xử lý thông tin người dùng của những mạng đó.

Trong một vụ việc gần đây liên quan tới mạng Twitter, sau khi nữ diễn viên Rose McGowan lên mạng Twitter tố cáo các lãnh đạo ngành truyền thông, giải trí đã nhúng tay trong việc che đậy những cáo buộc quấy rối và lạm dụng tình dục của nhà sản xuất phim Harvey Weinstein, Twitter đã chặn tài khoản của diễn viên này.

Tuy nhiên sau đó, khi mã chủ đề #WomenBoycottTwitter trở nên phổ biến, Twitter đã kích hoạt lại tài khoản của diễn viên Rose McGowan, kèm theo đó là lời xin lỗi của giám đốc điều hành Twitter, ông Jack Dorsey, cho rằng cần phải minh bạch hơn khi giải thích về cách thức Twitter đã đưa ra những quyết định như vậy.

Tháng trước, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng đã kêu gọi "sự minh bạch" khi tuyên bố công ty này sẽ chia sẻ thêm thông tin về những người đã mua quảng cáo chính trị trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, cam kết của ông chủ Facebook chỉ được đưa ra sau khi công ty này thừa nhận đã cho phép các đối tác Nga mua những quảng cáo có nội dung bị cáo buộc gây chia rẽ đất nước và làm thiên lệch kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Cũng như thế, Google cũng cam kết "minh bạch" sau khi các nhà quảng cáo giận dữ vì thuật toán của Google đã khiến những quảng cáo của họ bị đặt cạnh những video có nội dung thù hận, khủng bố trên YouTube.

Cần luật hóa

Sống trong thời đại "Internet of things" (vạn vật kết nối) hiện nay, dường như con người có rất ít lựa chọn trong việc bảo vệ quyền riêng tư. Do đó, hơn bao giờ hết, những chính sách về quyền được biết của người dùng về cách các hãng công nghệ xử lý với những thông tin cá nhân của họ trên mạng cần phải được luật hóa cụ thể và càng sớm càng tốt./.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN