(Baonghean) - Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao bằng những chính sách khuyến khích hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả đem lại chưa cao, số bác sỹ về công tác ở tuyến cơ sở và bệnh viện đặc thù là không đáng kể.
Từ những chính sách ưu việt
Chính sách thu hút bác sỹ nói chung và bác sỹ về công tác tuyến huyện, xã và bệnh viện đặc thù nói riêng ở tỉnh ta đang được thực hiện theo Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Ban hành quy định một số chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An” và Quyết định số 57/2013/QĐ-UBND “Ban hành quy định một số chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh 2 quyết định của UBND tỉnh thì Sở Y tế và các huyện, thành, thị, các bệnh viện đặc thù cũng có những chính sách riêng để động viên, kêu gọi, thu hút bác sỹ về địa phương, đơn vị mình công tác.
Theo Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND: Tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II, dược sỹ chuyên khoa II đến nhận công tác tại bệnh viện đặc thù được hỗ trợ kinh phí tương đương 20 lần mức lương tối thiểu. Thạc sỹ y khoa, bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, dược sỹ chuyên khoa I đến nhận công tác tại bệnh viện đặc thù được hỗ trợ kinh phí tương đương 18 lần mức lương tối thiểu. Bác sỹ, dược sỹ đại học hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi, loại khá đến nhận công tác tại bệnh viện đặc thù được hỗ trợ kinh phí tương đương 16 lần mức lương tối thiểu; Bác sỹ tốt nghiệp đại học hệ chính quy, loại trung bình đến nhận công tác tại Trạm Y tế xã miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí tương đương 24 lần mức lương tối thiểu, đến nhận công tác tại trạm y tế xã núi thấp, trạm y tế thị trấn núi cao, trung tâm y tế huyện núi cao, các đơn vị đặc thù tuyến tỉnh được hỗ trợ kinh phí tương đương 20 lần mức lương tối thiểu.
Còn theo Quyết định số 57 thì: Bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học thuộc đối tượng là nhân lực chất lượng cao, được xét tuyển thẳng vào công chức, viên chức, được trợ cấp thêm một khoản kinh phí ban đầu khi đến nhận công tác và làm việc tại các đơn vị y tế sau đây từ 5 năm trở lên là 100 triệu đồng - 200 triệu đồng, được hưởng 100% tiền lương khởi điểm theo ngạch, bậc lương nhà nước quy định; Bác sỹ, dược sỹ đại học được tuyển dụng vào công chức, viên chức thông qua hình thức xét tuyển …
Đến thực trạng
Hiệu quả mà các chính sách thu hút y bác sỹ của tỉnh Nghệ An đem lại là khá rõ ràng: Thực hiện Quyết định số 17 giai đoạn 2008 - 2010 đã tuyển dụng được 210 bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học, trong đó 82 người đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định; Từ năm 2011 -2013 tuyển dụng được 202 bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học, trong đó 62 người đủ điều kiện hưởng chế độ; 55 người được hưởng chế độ đối với bệnh viện đặc thù. Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện Quyết định số 17 vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao như tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1; Đặc biệt, tại các huyện từ đồng bằng đến các huyện miền núi cao thì hơn 10 năm qua gần như không tiếp nhận thêm được một bác sỹ mới ra trường, bác sỹ ở tỉnh khác chuyển đến nào.
Bên cạnh chính sách thu hút của tỉnh thì ngành Y tế cũng có chính sách hỗ trợ thêm nhưng không đáng kể, ngoài ra rất ít địa phương có sự hỗ trợ vật chất thêm vào, mới chủ yếu bằng sự động viên tinh thần là chính. Bác sỹ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho hay: “Từ khi nghe có những chính sách ưu đãi mới, Trung tâm đã “đặt hàng” với Sở Y tế Nghệ An – nếu có bác sỹ nào đăng ký về Quế Phong thì lãnh đạo huyện, tất cả lãnh đạo Trung tâm sẽ đưa xe xuống đón ngay cũng như có thêm các nguồn hỗ trợ, hậu đãi khác. Nhưng chờ mãi, 2 - 3 năm trôi qua, cũng không thấy một ai đăng ký”. Bác sỹ Hủn Vi Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho hay: “Từ ngày về Quỳ Châu công tác đến nay, bản thân ông thấy rất ít bác sỹ chuyển về công tác, chỉ thấy số y, bác sỹ chuyển ngành, bỏ ra ngoài, cử đi đào tạo bác sỹ chuyên tu rồi không về lại địa phương công tác là khá nhiều”.
Tìm hiểu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An – 2 bệnh viện đặc thù của ngành Y tế thì được biết: Ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An, ngoài các chế độ của tỉnh và ngành thì bác sĩ về nhận công tác tại Bệnh viện được hỗ trợ từ 15 đến 20 triệu đồng (theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị), được hưởng 100% lương và có nhà ở; Còn ở Bệnh viện Tâm thần do còn nhiều khó khăn nên bệnh viện không có mức hỗ trợ gì thêm chỉ có sự động viên, quan tâm về mặt tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác. Kết quả là: Từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An tuyển thêm được 9 bác sỹ mới và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An tiếp nhận thêm được 2 bác sỹ (1 ở Quế Phong chuyển về và 1 bác sỹ chính quy mới ra trường). Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn cao và trong năm 2014 này, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An đang cần tuyển dụng thêm 10 bác sỹ.
Một bác sỹ trẻ, gia đình ở Thành phố Vinh, công tác tại bệnh viện Mắt Sài Gòn lý giải: “Tiền hỗ trợ là rất quan trọng song quan trọng hơn là môi trường làm việc. Các huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An là những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, giao thông đi lại cách trở; các đơn vị y tế ở đây thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Môi trường làm việc kém, cơ hội nâng cao trình độ tay nghề là rất ít; Cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút bác sỹ về huyện công tác chưa phù hợp”.
Cần giải pháp đồng bộ
Để giải quyết thực trạng thiếu bác sỹ ở tuyến cơ sở và bệnh viện đặc thù, từ năm 2009 đến nay, bên cạnh việc tăng cường công tác y tế tuyến huyện, tuyến xã trên địa bàn, ngành Y tế đẩy mạnh các giải pháp như tạo nguồn, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường đại học y, ưu tiên đào tạo bác sỹ chuyên tu cho tuyến xã, huyện miền núi và bác sỹ cử tuyển cho vùng miền núi, vùng dân tộc. Qua đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh đã cử 117 lượt bác sĩ cho 22 trạm y tế tuyến xã; tuyến huyện, tăng cường 368 lượt bác sĩ cho 131 trạm y tế. Tính đến ngày 31/3/2014, 100% trạm y tế có cán bộ y tế hoạt động, 87,7% số xã có bác sỹ công tác (Bác sỹ thực của xã là 287 người, đạt 60%)….Tuy nhiên chừng đó vẫn là chưa đủ, theo tính toán đến năm 2015 ngành Y tế còn thiếu 219 bác sĩ, 33 dược sĩ; đến năm 2020 còn thiếu 837 bác sĩ, 1.187 dược sĩ.
Trong tháng 3 vừa rồi, làm việc với tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị ngành Y tế Nghệ An cần xây dựng đề án nhân lực để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực y tế dự phòng, triển khai Quyết định 14 về nghĩa vụ luân phiên điều chuyển cán bộ tuyến trên về tuyến dưới, Bộ Y tế cũng lưu ý sẽ áp dụng dự án “Đưa các bác sĩ trẻ về công tác tại 62 huyện nghèo” cho một số huyện miền núi của Nghệ An. Được biết, trong thời gian sắp tới, Nghệ An sẽ mở rộng một số đối tượng thu hút nhân lực, nâng mức ưu đãi khi thu hút nhân lực chất lượng cao, bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi vào các bệnh viện công, các bệnh viện đặc thù và bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ nghỉ hưu vào công tác ở trạm y tế xã… trên cơ sở tính toán đến yêu cầu nhiệm vụ và mức kinh phí đảm bảo.
Biến chuyển nói trên đã trở thành tin vui, hy vọng có bác sỹ về công tác của các tuyến y tế cơ sở và bệnh viện đặc thù nhưng cũng chưa biết những “âu lo”. Bác sỹ Lê Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu kiến nghị: “Huyện, xã rất khao khát có bác sỹ về công tác bởi từ rất lâu rồi không có bác sỹ nào về. Rào cản để bác sỹ về Quỳnh Lưu hiện là tình trạng không còn biên chế, có biên chế thì mới tuyển dụng được. Mong muốn tỉnh thực hiện Thông tư liên tịch 08 giữa Bộ Nội vụ – Bộ Y tế để tăng định biên lên”. Bác sỹ Đậu Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cho rằng: “Cơ chế chính sách thu hút của tỉnh bây giờ là tạm ổn bởi thật sự tỉnh ta còn nghèo, rất khó để nâng các mức hỗ trợ lên. Vấn đề cần thiết bây giờ phải là xây dựng được môi trường làm việc tốt cho y, bác sỹ, tạo nhiều cơ hội cho bác sỹ được học tập, được bình đẳng và quan trọng nhất là được thăng tiến, thể hiện mình. Cái này còn phụ thuộc vào tầm nhìn, cái tâm của từng lãnh đạo đơn vị, địa phương”…Với những ý kiến này, xem ra để giải bài toán thu hút bác sỹ về tuyến cơ sở và bệnh viện đặc thù còn cần rất nhiều nỗ lực đồng bộ.
Thanh Sơn