(Baonghean) - Kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa khai mạc hôm 15/9 tại New York, Mỹ. Xoay quanh những điểm mới và những vấn đề nóng là trọng tâm của kỳ họp lần này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học, Bộ Công an.
P.V: Thưa Thiếu tướng, kỳ họp năm nay của Đại hội đồng Liên hợp quốc có điểm gì khác so với các kỳ họp trước?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra chứa đựng một số điểm mới và khác. Thứ nhất, có thể nói rằng bối cảnh kinh tế thế giới đang trong tình trạng khá ảm đạm. Trừ đầu tàu kinh tế Mỹ khá ổn định trong khoảng 10 năm trở lại đây, các trung tâm kinh tế như Nhật Bản và châu Âu vẫn trì trệ, đặc biệt là Khu vực đồng euro vẫn chưa có “ánh sáng cuối đường hầm”. Năm nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hiện cũng rơi vào trạng thái hết sức khó khăn. Như vậy, bức tranh kinh tế thế giới về cơ bản là đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt khi là mới đây Trung Quốc có động thái phá giá đồng nội tệ.
Về chính trị và an ninh, Đại hội đồng Liên hợp quốc bước vào kỳ họp trước những “điểm nghẽn” lớn là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cuộc xung đột ở Syria. IS đe dọa an ninh toàn cầu, cuộc xung đột Syria hơn 4 năm nay vẫn chưa có lối thoát. Chưa hết, châu Âu đang gồng mình đối phó với dòng người di cư không ngừng đổ về “lục địa già”.
Và một điểm mới đáng chú ý trong kỳ họp lần này có lẽ là sự xuất hiện của các “ông lớn”: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, so với tần suất xuất hiện ít ỏi của họ trong các kỳ họp trước.
P.V: Tại sao Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc phần lớn không xuất hiện trong các kỳ họp trước nhưng lại cùng xuất hiện tại kỳ họp năm nay, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc thường là nguyên thủ các quốc gia, nhưng nếu các cuộc họp không chứa đựng những vấn đề sát sườn với chính họ, Nga và Trung Quốc thường cử Thủ tướng hoặc Ngoại trưởng tới dự. Năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều dự họp, phản ánh nhiều trong số các vấn đề nóng hiện nay trên toàn cầu có liên quan trực tiếp đến hai nước này, buộc lòng đích thân hai nguyên thủ phải xuất hiện. Tôi cho rằng nếu cử đến các nhân vật cấp thấp hơn, ông Putin và ông Tập khó lòng đương đầu với làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về những việc làm của cả Nga và Trung Quốc.
Với Nga, cuộc xung đột Ukraine năm nay tạm lắng xuống, nhưng lại nổi lên vấn đề khác khi vừa qua Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov 5 lần công bố với thế giới rằng Moskva đang hỗ trợ hậu cần, xúc tiến hiệp định bán vũ khí, chuyển giao công nghệ cho Syria và thậm chí cử các chuyên gia sang tận nơi hướng dẫn. Tin tức này khiến Mỹ và phương Tây quan ngại rằng Nga đang can thiệp vào cuộc xung đột và làm phức tạp thêm tình hình tại Syria.
Trung Quốc cũng có 2 vấn đề đang khuấy động dư luận, khiến ông Tập không thể không quan tâm. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, bong bóng bất động sản khiến nền kinh tế thứ hai thế giới rơi vào trì trệ, phá giá đồng nhân dân tệ, gây tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế khác. Dư luận quốc tế chỉ trích Trung Quốc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thứ hai, hơn 1 năm qua, Trung Quốc cải tạo, bồi đắp các đảo đá chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành căn cứ quân sự. Hành động này của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại những cam kết của nước này, trở thành tâm điểm phê phán của cộng đồng quốc tế. Có thể khẳng định rằng, cả về kinh tế, chính trị và an ninh, Trung Quốc đang hứng chịu những búa rìu lớn từ phía dư luận.
Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng hai vị nguyên thủ trên xuất hiện tại kỳ họp lần này là điều dễ hiểu. Ngày 28 hoặc 29/9 tới, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Chắc chắn, ông Putin sẽ công bố quan điểm của Nga trong xung đột Syria và cuộc chiến chống IS. Tương tự, ông Tập cũng sẽ nói rõ quan điểm của Trung Quốc, phân bua giải thích, hòa giải trước dư luận đang phê phán 2 vấn đề nổi cộm của nước này.
P.V: Đề nghị Thiếu tướng cho biết một số nội dung chính trong chương trình nghị sự của kỳ họp này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Nội dung kỳ họp thường niên nhằm từng bước hiện thực hóa chức năng, nhiệm vụ của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Chức năng, nhiệm vụ này được xác định ở Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc: “Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, Liên hợp quốc tiến hành những biện pháp tập thể có hiệu quả nhằm ngăn ngừa và loại trừ các mối đe dọa hòa bình, nhằm trừng trị mọi hành vi xâm lược hoặc phá hoại hòa bình khác, điều chỉnh hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế hoặc những tình huống có thể dẫn đến sự phá hoại hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế”.
Mỗi năm lại có một vấn đề nổi lên. Năm nay, tôi cho rằng 3 vấn đề lớn là cuộc chiến chống IS, cuộc xung đột Syria và cuộc khủng hoảng người di cư sẽ làm nóng nghị trường kỳ họp. Các vấn đề vừa nêu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Suy cho cùng, dòng người từ Trung Đông và Bắc Phi tìm đến “miền đất hứa” châu Âu là do cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột tại quê hương của họ, trong đó chắc chắn phải kể đến cuộc xung đột Syria, nội chiến ở Iraq, Afghanistan, những hành vi tàn bạo của IS,…
Ngoài ra, Đại hội đồng cũng sẽ đề cập và bàn thảo các vấn đề khác như chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, việc thực hiện thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1, xung đột Israel-Palestine, xung đột Ukraine,... Và chắc chắn, những vấn đề “muôn thuở” mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu cũng sẽ là đối tượng tại kỳ họp này.
P.V: Theo Thiếu tướng, liệu có khả năng giải quyết những điểm nóng này trong kỳ họp của Đại hội đồng hay không?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Như đã nói, 3 vấn đề lớn nhất của kỳ họp năm nay có quan hệ chặt chẽ với nhau, và nằm trong mối quan hệ chủ yếu với Nga và Mỹ. Hai cường quốc này thống nhất về các mục tiêu, nhưng lại khác nhau về cách thức để đạt được những mục tiêu đó.
Trong cuộc chiến chống IS, Mỹ vừa muốn tiêu diệt IS, vừa muốn loại bỏ chính quyền Bashar al-Assad, họ tự mâu thuẫn khi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chống IS nhưng không cho chính quyền Assad tham gia. Phía Nga trong khi đó đồng ý phải tiêu diệt IS, nhưng bảo vệ chính quyền al-Assad là chính quyền hợp pháp tại Syria. Như vậy, Washington và Moskva có chung mục tiêu, nhưng lại phân hóa trong cách thức giải quyết cuộc xung đột Syria và cuộc chiến chống IS, khiến chúng trở thành những vấn đề khó khăn nhất hiện nay.
Tôi cho rằng kỳ họp lần này khó lòng đưa ra giải pháp cuối cùng, nhưng trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, đòi hỏi phải có liên kết chặt chẽ của mọi lực lượng để loại bỏ IS, và buộc Nga và Mỹ phải điều chỉnh chính sách. Dù nhiều khả năng sẽ chưa đưa ra được một nghị quyết thống nhất giữa 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng tôi tin kỳ họp lần này sẽ tạo tiền đề cho các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, mở ra cơ hội để các cường quốc tiếp tục bàn thảo và đưa ra thỏa thuận hòng giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện nay.
P.V: Dư luận quốc tế cho rằng Liên hợp quốc hiện đang đứng trước nhiều thách thức toàn cầu. Để nâng cao vai trò điều phối, giải quyết xung đột của Liên hợp quốc, theo Thiếu tướng cần có những hoạt động như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Đúng là hiện Liên hợp quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, ngay cả nguồn tài chính để cứu trợ cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay tại châu Âu cũng là bài toán khó đối với cơ quan này. Tuy nhiên, tôi cho rằng khó khăn lớn nhất là vấn đề cấu trúc lại Liên hợp quốc - cơ quan đã hoạt động 70 năm qua. Cấu trúc trong đó 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết phù hợp với cục diện chính trị an ninh trong những năm đầu sau chiến tranh. Song, hiện nay bối cảnh quốc tế đã khác xa thời điểm ấy, trong xu hướng toàn cầu hóa và các quốc gia gắn chặt với nhau bằng các định chế quốc tế, nên vấn đề gai góc nhất là phải cải tổ và bàn thảo vấn đề 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết. Liệu có nên tăng lên thành 9 ủy viên thường trực không? Bên nào có quyền phủ quyết và phủ quyết tới mức độ nào?
Để thực hiện vai trò toàn cầu của Liên hợp quốc, điều phối xung đột khu vực và đảm bảo hòa bình thế giới, trước hết 5 ủy viên thường trực phải thực sự đặt lợi ích của cộng đồng quốc tế lên trên lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, 188 ủy viên không thường trực cũng phải có trách nhiệm thể hiện bản lĩnh chính trị của mình để đấu tranh cho một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Như Napoleon từng nói: “Thế giới phải chịu sự tàn phá rất lớn vì sự im lặng của những người tốt chứ không phải do sự tàn phá của kẻ xấu”. Tất cả những bên mong muốn duy trì hòa bình phải tỏ thái độ kiên quyết, chỉ có như vậy thì vai trò của Liên hợp quốc mới được thực hiện đầy đủ.
P.V: Cảm ơn Thiếu tướng!
Thu Giang
(Thực hiện)