(Baonghean)- Dự án mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại Nghệ An từ năm học 2012 – 2013. Sau 3 năm thực hiện, từ 73 trường, chương trình đã được nhân rộng trên 300 trường và tạo ra những chuyển biến tích cực trong “cách dạy, cách học”. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo.
Học sinh trường Tiểu học 2, Môn Sơn (Con Cuông) trong giờ học theo mô hình trường học mới. Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 đứng chân ở vùng biên giới khó khăn của huyện Kỳ Sơn và là một trong những xã đặc biệt khó khăn nhất của cả nước. 3 năm trước, khi trường được chọn triển khai thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới VNEN Ban Giám hiệu nhà trường hết sức lo lắng. Nguyên nhân chính bởi lúc bấy giờ, cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, thiếu thốn.
Về phía giáo viên, phụ huynh cũng không tránh khỏi sự băn khoăn khi đây là một mô hình hoàn toàn mới. Nhớ về những ngày đầu triển khai thực hiện mô hình, cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 chia sẻ: Việc chuyển sang mô hình VNEN giống như sự “lột xác” của nhà trường. Để chuyển từ “ngôi nhà cũ” sang “ngôi nhà mới cao to, đẹp, đầy đủ tiện nghi” trước tiên đòi hỏi giáo viên phải trăn trở, đầu tư công sức và sự sáng tạo.
Quả thật, 3 năm triển khai chương trình VNEN, tập thể giáo viên nhà trường phải nỗ lực rất nhiều. Bù lại hiệu quả chuyển biến thể hiện rõ. Đó là học sinh đã tự tin, mạnh dạn hơn rất nhiều. Nhờ tham gia các hoạt động nhóm, học sinh được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực bản thân, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và điều hành; học sinh yếu được giáo viên và các bạn trong nhóm quan tâm để hoàn thành nhiệm vụ.
Dạy học theo mô hình trường học mới, hầu hết giáo viên trong trường cũng đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, giáo viên theo dõi kiểm soát học sinh tự học. Trong tiết học, giáo viên không còn thuyết giảng nhiều như trước, mà tập trung vào quan sát, đánh giá, trực tiếp giúp đỡ từng em trong quá trình giảng dạy.
Điều đáng mừng, đó là sau khi chương trình VNEN được triển khai, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên chính quyền địa phương và người dân trong xã rất ủng hộ chủ trương mới. Vì thế từ năm học 2012 – 2013, trên 5 tỷ đồng đã được huy động để xây mới trường. Ngoài ra, phụ huynh còn đóng góp để nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú, giúp học sinh đi học chuyên cần hơn.
Đánh giá về kết quả thực hiện cũng cho thấy, thời gian đầu dù còn gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý thi cử, điểm số còn nặng nề ở một số phụ huynh, do thói quen dạy - học truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên... nhưng sau 3 năm đã mang lại hiệu quả tích cực: Năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác theo nhóm của học sinh được hình thành, phát triển nhanh và tốt hơn hẳn so với học sinh học các trường ngoài dự án, nhất là học sinh vùng nông thôn, miền núi.
Các ý kiến của chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh cũng đều thống nhất đánh giá cao những thành công của dự án về tổ chức lớp học, tổ chức dạy học có tác dụng tích cực trong việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Học sinh có ý thức tự quản tốt hơn, phương pháp tự học được hình thành sớm hơn; các em tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp trước đông người.
Nhờ dự án, liên kết giữa nhà trường và gia đình được chặt hơn. Phụ huynh đã chủ động đóng góp kinh phí, ngày công vào việc trang trí lớp học, tổ chức lớp học, tham gia vào quá trình học tập, rèn luyện của con em ở trường, ở nhà. Cô Nguyễn Thị Bảo Tuyết, Trường Tiểu học Xuân Sơn, Đô Lương chia sẻ: Nhờ mô hình trường học mới, chúng tôi được trưởng thành nhiều trong chuyên môn: Linh hoạt, sáng tạo, khả năng thích ứng với mọi điều kiện dạy học được nâng cao.
Từ năm học 2015 – 2016, trên 200 trường tiểu học ở Nghệ An mặc dù không thuộc dự án, cũng đã và đang áp dụng, nhân rộng những yếu tố tích cực của dự án VNEN vào trong dạy học và hoạt động giáo dục. Trong năm học tới, 100% trường tiểu học sẽ áp dụng chương trình này.
Dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Thanh Ngọc ( Thanh Chương).
Đánh giá về kế hoạch nhân rộng mô hình các trường học mới, ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: Dạy học theo chương trình mới VNEN là một mô hình ưu việt, phù hợp với xu thế phát triển và đổi mới của giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, khi tiến hành “nhân rộng”, chúng ta không bê nguyên mô hình mà nhân rộng có chọn lọc. Mục đích chính là để phù hợp với điều kiện của từng địa phương và đảm bảo đồng bộ về chất lượng.
Trước mắt, Sở GD&ĐT sẽ tập huấn để các trường phát triển mô hình trường học mới theo bốn hướng chính: Thiết kế không gian dạy học, tổ chức lớp học theo hướng mở, giúp học sinh nâng cao tính tự giác, tự quản; đổi mới cách dạy, cách học, đưa các mô hình dạy học tích cực vào; đổi mới sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường theo hướng nghiên cứu bài dạy để bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên; Xây dựng kế hoạch và tổ chức phong phú các sân chơi, hoạt động giáo dục ngoài chính khóa, hoạt động trải nghiệm; vận động các tổ chức ngoài nhà trường, cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động của trường.
Bài, ảnh: Mỹ Hà